Nghiên cứu 2 đạo luật và qui định mới của EU: Đề xuất sớm xây dựng khung pháp lý về tiêu chí xanh, giúp doanh nghiệp Việt thích ứng

Thứ ba - 26/03/2024 03:03
(Pháp lý) - Sau 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Việt Nam đã xuất hàng hóa sang EU với giá trị gần 128 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2023 trở đi những lợi thế này đang đối mặt với nhiều thách thức khi doanh nghiệp phải đáp ứng các đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh, bền vững đầy khắt khe của EU. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng sớm nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tiêu chí xanh, giúp doanh nghiệp Việt thích ứng.
Thị trường mua bán tín chỉ giảm phát thải sẽ ngày càng sôi động
Thị trường mua bán tín chỉ giảm phát thải sẽ ngày càng sôi động

CBAM – “khắc tinh” đối với những sản phẩm phát thải nhiều carbon

Ngày 17/5/2023, EU đã ban hành Đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới – Carbon Border Adjustment Mechanism (gọi tắt là CBAM). Với động thái này, EU biểu thị sự cam kết mạnh mẽ đối với Thỏa thuận Paris 2015, thể hiện trách nhiệm trước tình trạng biến đổi khí hậu tác động xấu đến môi trường toàn cầu tạo ra. Theo đó, một số hàng hóa nhập khẩu vào thị trường tiềm năng này phải trả thuế cho lượng khí thải carbon tạo ra trong quá trình sản xuất mà vẫn phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đạo luật chia làm 3 giai đoạn để thực hiện. Trong đó, giai đoạn 1 (từ 01/10/ 2023 đến ngày 31/12/2025), áp dụng cơ chế CBAM cho 6 mặt hàng nhập khẩu là sắt, thép, nhôm, xi măng, phân bón, hydro, điện (những sản phẩm khi sản xuất đã tạo ra lượng khí CO2 cao). Như vậy trong ngắn hạn, 4 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ ảnh hưởng nhưng không nhiều (vì số lượng mặt hàng và giá trị kim ngạch xuất khẩu thấp là thép) là nhôm, xi măng, phân bón, ước sẽ giảm khoảng 100 triệu USD. Mặc dù vậy các DN nhập khẩu hàng hóa vào thị trường EU phải nộp báo cáo CBAM đầu tiên cho cơ quan phụ trách của EU và mức thuế carbon đã trả ở nước xuất khẩu.

Giai đoạn 2, bắt đầu từ ngày 1/1/2026, EU chính thức bắt đầu thu thuế khí thải. Theo đó nhà nhập khẩu cần khai báo hàm lượng dấu chân carbon trong sản phẩm nhập khẩu, cần tính chứng chỉ CBAM (carbon tương tương) và phải trả tiền cho Chính phủ tại quốc gia trong EU, nơi hàng hóa được nhập khẩu vào. Phạm vi của CBAM có thể được mở rộng, bao gồm tính cả thuế phát thải carbon gián tiếp và nhiều sản phẩm sản xuất thải nhiều khí carbon ra môi trường như hóa chất hữu cơ, polyme (nhựa) và cuối cùng là tất cả hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh trên ETS của EU, sẽ tác động mạnh đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Từ năm 2034 trở đi (CBAM chính thức vận hành toàn bộ, thu phí 100%). Trong đó trong năm đầu tiên, việc tính toán khối lượng khí thải của hàng hóa nhập khẩu được thực hiện linh hoạt cho việc khai báo. Tuy nhiên việc khai báo này chỉ được công nhận nếu phù hợp với phương pháp tính toán của EU. Kể từ năm 2025, hàng năm, EU đưa ra hạn mức về lượng khí thải cho mỗi ngành, doanh nghiệp sản xuất trong khối, hạn mức này sẽ giảm dần theo thời gian. Mỗi doanh nghiệp của EU chỉ có thể xả khí thải theo hạn mức cho phép/năm, nếu doanh nghiệp muốn thải ra nhiều hơn hạn mức được phân bổ thì phải mua thêm giấy phép carbon. Trong khi đó theo ước tính của các nhà phân tích, giá giấy phép carbon chiếm khoảng 5% đến 10% tổng chi phí sản xuất thép và cao hơn đối với xi măng.

EUDR – nói không với những mặt hàng có liên quan đến suy thoái rừng

Cùng với cơ chế CBAM, từ cuối tháng 6/2023, EU đã ban hành Quy định chống suy thoái rừng (EU Deforestation-free Regulation - EUDR). EUDR có hiệu lực từ ngày 30/12/2024Theo đó, một trong những nội dung cốt lõi của EUDR là cấm các công ty nhập vào thị trường này các sản phẩm bất hợp pháp và gây mất rừng. Những sản phẩm bị điều chỉnh bởi EUDR, bao gồm gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và các sản phẩm phái sinh tại EU, khi nhập vào thị trường EU phải chứng minh không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hàng năm thu được trên toàn EU.
2-1700642062.jpg
Gỗ là một những nhóm sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, nằm trong nhóm mặt hàng chịu sự quản lý của EUDR…

Khi EUDR chính thức có hiệu lực, các công ty nhập khẩu và các công ty thương mại lớn của EU sẽ có 18 tháng để chuẩn bị, trong khi các nhà nhập khẩu có quy mô nhỏ sẽ có 24 tháng. Các công ty từ EU khi nhập khẩu cần đưa ra cam kết thực hiện trách nhiệm giải trình (bao gồm thông tin chi tiết về công ty nhập khẩu và sản phẩm nhập khẩu… cùng với bằng chứng không liên quan tới mất rừng và suy thoái rừng). Bên cạnh đó, dựa vào những thông tin nêu trên, các nhà nhập khẩu cần thực hiện việc đánh giá rủi ro liên quan tới các khía cạnh tuân thủ, rủi ro trong vi phạm các quyền đối với người bản địa, rủi ro trong khâu sản xuất, tính phức tạp của chuỗi cung. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu cần cung cấp thông tin về các cơ chế mà họ áp dụng nhằm giảm thiểu các rủi ro đã được xác định. Nếu các nhà nhập khẩu không hoàn thành các nghĩa vụ này họ sẽ không được phép mang hàng hóa vào EU.

Như vậy, với nhóm các mặt hàng nằm trong diện kiểm soát của EUDR, Việt Nam có 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng, bao gồm gỗ, cà phê và cao su. Vì vậy, thời gian tới, các nhà nhập khẩu từ EU sẽ yêu cầu các công ty Việt Nam khi xuất hàng cho họ phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Đó là cung cấp các thông tin cho nhà nhập khẩu bao gồm: Số lượng sản phẩm, giá, tên sản phẩm, địa chỉ lô đất và toàn bộ các bằng chứng chứng minh cho việc sản xuất hàng hóa không gây mất rừng và suy thoái rừng; cung cấp bằng chứng về tuân thủ với toàn bộ các yêu cầu của Việt Nam (bao gồm thủ tục về tiếp cận đất đai hợp pháp, hoàn thành trách nhiệm về thuế, phí, tuân thủ quy định về chế biến, an toàn lao động…).

Cần có khung pháp lý để giúp doanh nghiệp thích ứng

Từ 2 đạo luật và Qui định mới nêu trên của EU cho thấy, việc chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu, đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.

Thách thức của các DN càng lớn hơn khi Chính phủ Hoa Kỳ và Canada cũng đang cân nhắc các cơ chế tương tự CBAM và EUDR của EU; và EU cũng nêu rõ, các nhóm mặt hàng nằm trong CBAM và EUDR sẽ được mở rộng trong tương lai. Có nghĩa, các quy định về bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn (bên cạnh yêu cầu về chất lượng và giá cả, khách hàng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp đáp ứng được cao nhất các yêu cầu đặt ra, trong đó có yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững). Nói như vậy để thấy rằng, các mặt hàng của các DN Việt Nam nếu muốn giữ vững vị thế tại những thị trường chủ lực này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn ngay từ bây giờ.

a) Khung pháp lý về áp dụng cơ chế định giá carbon

Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón. Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu này. Thực hiện cơ chế CBAM, trong dài hạn, sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các DN Việt có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU. Đặc biệt là sau năm 2026, phạm vi của CBAM có thể được mở rộng, bao gồm tính cả thuế phát thải carbon gián tiếp và nhiều sản phẩm sản xuất thải nhiều khí carbon ra môi trường như hóa chất hữu cơ, polyme (nhựa) và cuối cùng là tất cả hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh trên ETS của EU thì sẽ tác động mạnh đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Ngay từ bây giờ để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn diện theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, đòi hỏi các DN phải có sự điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh. Thách thức lớn nhất hiện nay đó là Việt Nam chưa có khung hành lang pháp lý về xây dựng cơ chế định giá carbon rõ ràng nên doanh nghiệp sản xuất khó xác định phải trả thuế, phí bao nhiêu tiền mỗi tấn khí CO2. Trong khi đó việc xác định thuế, phí khí thải sẽ phải tính đủ thuế, phí khí CO2 trực tiếp và gián tiếp. Sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn, nếu như các DN trong nước chưa thực hiện đầu tư lắp đặt các công nghệ thu hồi, giảm phát khí thải mà vẫn còn sử dụng nhiên liệu truyền thống (thải nhiều khí CO2 có thuế, hoặc phí khí thải carbon cao hơn), dẫn tới chi phí cho sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU sẽ tăng lên…
3-1700642062.jpg
Ngành cà phê Việt Nam dự kiến sẽ chịu nhiều tác động của quy định chống phá rừng của EU

Tuy nhiên bên cạnh đó những cơ hội kinh doanh mới cũng đang mở ra. Bỡi trong vài năm tới, nhiều quốc gia khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng sẽ áp dụng cơ chế thu thuế khí CO2 đối với hàng nhập khẩu. Như vậy, phạm vi ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường trọng điểm trên thế giới sẽ rộng hơn và thị trường mua bán tín chỉ carbon càng sôi động, cũng như cơ hội kinh doanh thành công cho dự án CCUS cũng sẽ lớn hơn. Do vậy, việc sớm xây dựng và ban hành khung pháp lý về áp dụng cơ chế định giá carbon là cần thiết vì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thay thế dần năng lượng truyền thống bằng năng lượng sạch và áp dụng các công nghệ thu hồi, giảm thiểu khí thải CO2.

b) Khung pháp lý về tiêu chí xanh:

Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu hộ gia đình có các diện tích rừng trồng với tổng số trên 1 triệu héc ta và gỗ từ nguồn này được cung cho các công ty chế biến xuất khẩu; có khoảng 1,3 triệu hộ trồng cà phê, với diện tích gần 700.000 héc ta và gần 300.000 hộ trồng cao su với diện tích khoảng trên 400.000 ha. Có nghĩa thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam, đó là sản xuất cây hàng hóa ở Việt Nam chủ yếu do các nông hộ đảm nhận nên có đặc điểm nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó cung cấp được các thông tin. Như vậy để đáp ứng các yêu cầu của EUDR, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp bất lợi trong việc cung cấp thông tin cho nhà nhập khẩu đối với sản phẩm nông sản khi nhập khẩu vào EU vì phần lớn nguyên liệu của sản phẩm làm ra do nông hộ đảm nhận.

Trước thách thức đó, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam nên thu thập thông tin về chuỗi cung hiện tại dựa trên xác định tình trạng thực tế chuỗi cung của nông hộ. Sau đó, doanh nghiệp nên tiếp cận và nghiên cứu kỹ các yêu cầu của EUDR và xác định các thuận lợi, khó khăn trong việc đáp ứng với các yêu cầu này. Đây sẽ là cơ hội để các DN Việt Nam thích ứng sớm (vì EUDR là quy định quan trọng của EU nhằm mục tiêu chống mất rừng và suy thoái rừng, đặc biệt tại các quốc gia nhiệt đới) và tận dụng mở rộng thị trường trong tương lai, khi mà chắc chắn rằng EU sẽ mở rộng danh mục hàng hóa nằm trong diện kiểm soát… Mặc dù vậy mọi sự nỗ lực của DN sẽ khó về đích, nếu như còn thiếu khung pháp lý về tiêu chí xanh, hướng dẫn rõ ràng để lượng hóa tiêu chuẩn xanh, cũng như có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp có động lực chuyển đổi sang sản xuất xanh…

Kết mở

Cơ chế CBAM và EUDR của EU một lần nữa cũng cho thấy những quy định, tiêu chí ngày càng chặt chẽ hơn trên phạm vi toàn cầu nhằm gắn chặt hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế với vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặc dù quá trình chuyển đổi xanh của EU tạo ra lộ trình từng bước để có thể dần thích ứng, nhưng quỹ thời gian không còn nhiều khi có những quy định sẽ áp dụng ngay từ năm 2024 hoặc năm 2025.

Vì thế, các doanh nghiệp không nên chờ đợi đến khi EU bắt đầu áp dụng, mới gấp rút ứng phó mà ngay từ bây giờ nên chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh; cần đưa ra lộ trình cụ thể, huy động và tìm kiếm nguồn lực, tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan nhằm đáp ứng các yêu cầu của CBAM và EUDR. Những đòi hỏi, tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng, của thị trường sẽ là dài hạn và không thể đảo ngược. Các doanh nghiệp Việt cần nắm rõ những biến động mới để xoay xở để thích ứng.


https://phaply.net.vn/nghien-cuu-2-dao-luat-va-qui-dinh-moi-cua-eu-de-xuat-som-xay-dung-khung-phap-ly-ve-tieu-chi-xanh-giup-doanh-nghiep-viet-thich-ung-a257612.html

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây