Bàn về quy định ghi âm, ghi hình tại tòa phải xin phép

Chủ nhật - 07/04/2024 23:14
Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG - Khi Tòa án đã xét xử công khai thì không được hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí. Công khai diễn biến phiên tòa không chỉ là yêu cầu chính đáng của nhân dân mà còn là nhiệm vụ của Tòa án để thể hiện uy quyền, vị thế trong thực hiện quyền tư pháp và thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, gia tăng tính hiệu quả trong công tác xét xử.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ghi âm ghi hình tại phiên tòa là một hình thức tiếp cận thông tin, lan tỏa thông tin, thực hiện quyền tự do dân chủ, quyền tác nghiệp của báo chí và thực hiện chức năng giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước. Những diễn biến của phiên tòa được công khai cũng sẽ nâng cao vị thế của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp, là một hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trực quan nhất, hiệu quả nhất. Vấn đề là làm sao có quy định phù hợp để vừa đảm bảo tính công khai trong xét xử, vừa đảm bảo được bí mật đời tư cá nhân, bí mật nghề nghiệp, bảo vệ được quyền tự do về hình ảnh của công dân mà hiến pháp và pháp luật đã ghi nhận. 

 

Nguyên tắc xét xử công khai là một trong những nguyên tắc cơ bản được quy định trong Hiến pháp và các văn bản tố tụng, Luật Tổ chức TAND. Phạm vi công khai ở đây phải xác định là công khai với toàn xã hội, trừ trường hợp có những vụ án phải xét xử kín theo các lý do mà pháp luật có quy định.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo khoản 3, Điều 103, Hiến pháp năm 2013 quy định: "TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín".

Pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính quy định trong trường hợp xét xử kín thì Tòa án vẫn phải tuyên án công khai, khi đã tuyên án công khai thì tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên đều có quyền tham dự, trong đó không loại trừ sự có mặt của các cơ quan truyền thông.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013, nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai được quy định là nguyên tắc chung của các đạo luật tố tụng (hình sự, dân sự, hành chính) và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo tính khách quan, công bằng, bảo vệ quyền con người trong hoạt động xét xử, đặt ra yêu cầu hoạt động xét xử không những phải đúng đắn, khách quan, công bằng mà còn phải kịp thời, nhanh chóng, đảm bảo tính công khai, tạo cơ hội cho các cơ quan báo chí, người dân được thực hiện quyền giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. 

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ ngay trong điều luật về việc “mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định”.

Nguyên tắc xét xử công khai là nguyên tắc cơ bản được luật pháp quốc tế ghi nhận và được dụng mang tính phổ biến trên thế giới, được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế như: Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Điều 6 Công ước châu Âu về quyền con người năm 1950 và nhiều văn bản công ước, điều ước.

Nguyên tắc Tòa án xét xử công khai được thể hiện trong 03 đạo luật tố tụng hiện hành của Việt Nam. Cụ thể, tại Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Tại khoản 2, Điều 15, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì quy định, Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín.

Còn khoản 2, Điều 16, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì quy định, Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án có thể xét xử kín.

Như vậy, có thể thấy nguyên tắc xét xử công khai là nguyên tắc hiến định được áp dụng phổ biến trong tất cả các hoạt động tố tụng ở Việt Nam và Tòa án là cơ quan có trách nhiệm đảm bảo thực hiện nguyên tắc này trên thực tế. 

Khi đã xét xử công khai thì những người có mặt phiên tòa đều có thể được ghi âm, ghi hình "nếu được chủ tọa phiên tòa đồng ý". Trường hợp chủ tọa phiên tòa không đồng ý cho những người tham dự phiên tòa ghi âm, ghi hình thì phải nêu rõ lý do và có thể sẽ bị khiếu nại về hành vi này. 

Đối với các cơ quan báo chí thì tham dự phiên tòa để đưa tin, bởi vậy việc ghi âm ghi hình của các phóng viên tại phiên tòa đúng theo hoạt động nghề nghiệp đối với các vụ án xét xử công khai. Diễn biến phiên tòa trải qua phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, phần tranh tụng và tuyên án. Trường hợp báo chí tham dự phiên tòa để đưa tin thì cần phải đưa tin đầy đủ diễn biến phiên tòa, đặc biệt là diễn biến phần tranh tụng tại phiên tòa (xét hỏi và tranh luận). Nếu báo chí chỉ đưa tin phần thủ tục bắt đầu phiên tòa và kết quả xét xử từ việc ghi nhận nội dung bản án thì sẽ không phản ánh được bản chất của vụ án, hoạt động tố tụng đã đúng hay chưa, kết quả xét xử có công bằng không... Đặc biệt là với báo chí đa phương tiện, truyền hình nếu không ghi hình diễn biến phiên tòa thì không thể chuyển tải nội dung của vụ án đối với khán giả, hoạt động giám sát của nhân dân đối với công tác xét xử sẽ không phát huy được tối đa tác dụng. 

Dự thảo Luật Tổ chức TAND đưa ra quy định về ghi âm ghi hình tại phiên tòa với nội dung việc ghi âm ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa... là chưa thể hiện được nguyên tắc xét xử công khai, đồng thời xung đột với quy định của Luật Báo chí về quyền tác nghiệp của phóng viên, nhà báo tại phiên tòa và chưa đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng ở Việt Nam.

Cụ thể, tại khoản 4, Điều 141, dự thảo Luật Tổ chức TAND quy định: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp".

Nội dung này trong dự thảo Luật Tổ chức TAND xung đột với nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và không đảm bảo được nguyên tắc Tòa án xét xử công khai, thu hẹp quyền tác nghiệp của các phóng viên nhà báo và có thể khiến cho hoạt động giám sát của nhân dân với hoạt động xét xử của Tòa án không đạt được hiệu quả. Nên cần sửa theo hướng đối với những vụ án xét xử công khai thì mọi người đều có quyền ghi âm, ghi hình nhưng không làm cản trở hoạt động xét xử, không lợi dụng việc ghi âm, ghi hình đó để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân. 

Điều 25, Luật Báo chí 2016 quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, theo đó khi tác nghiệp tại Tòa án thì phóng viên nhà báo được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp, được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. 

Các văn bản hướng dẫn của hội đồng thẩm phán TAND tối cao về hình thức, bố trí phiên tòa cũng đã có quy định rõ lời tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa. Thực tiễn thời gian qua hoạt động đưa tin của báo chí trong các vụ án về tham nhũng kinh tế là rất kịp thời do những thông tin hình ảnh diễn biến phiên tòa được cập nhật liên tục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân cũng như là cơ hội, tư liệu để thực hiện hoạt động giám sát của nhân dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án.

Những thông tin hình ảnh và báo chí truyền tải từ phiên tòa cũng là một hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Những vụ án lớn diễn ra trong thời gian qua được báo chí đưa tin thường xuyên, liên tục và chi tiết diễn biến phiên tòa là tư liệu quan trọng cho công tác nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật cũng như nâng cao trình độ nhận thức hiểu biết của nhân dân về hoạt động tố tụng ở Việt Nam, là kênh thông tin để thực hiện giám sát hoạt động xét xử của Tòa án.

Tòa án giải quyết khách quan, vô tư, đúng pháp luật thì không ngại gì việc công khai diễn biến phiên tòa, ngược lại khi diễn biến phiên tòa được công khai thì vị thế, uy tín của Tòa án càng được nâng cao, ý nghĩa giáo dục trong mỗi phán quyết của Tòa án sẽ được lan tỏa, mang nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng. 

Ngược lại, khi Tòa án xét xử công khai mà người dân không được tham dự phiên tòa, báo chí không được đưa tin phiên tòa hoặc bị hạn chế quyền tiếp cận thông tin thì rõ ràng vị thế uy tín của Tòa án không thể nâng cao được, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giám sát hoạt động tư pháp rất khó có thể đạt được hiệu quả. 

Pháp luật Việt Nam quy định các quyền cơ bản của công dân trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và cũng có quyền được bảo vệ về quyền tự do nhân thân, về hình ảnh. Tuy nhiên các quyền về nhân thân, về hình ảnh sẽ bị giới hạn bởi trật tự an toàn công cộng, bởi lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. 

Với những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm, cần cảnh báo trước cộng đồng hoặc đối với tội phạm đang bị truy nã thì việc công khai hình ảnh, thông tin chi tiết của đối tượng là điều cần thiết để đảm bảo an toàn công cộng. Đối với các diễn biến phiên tòa mà đương sự không đồng ý ghi hình thì chủ tọa phiên tòa phải cân nhắc xem việc từ chối đó có phù hợp với pháp luật hay không, trong những trường hợp này thì nên quy định là báo chí sẽ làm mờ hình ảnh hoặc có những góc quay phù hợp; vừa đảm bảo tuyên truyền pháp luật, đưa tin phiên tòa, vừa đảm bảo được các quyền cơ bản của công dân được pháp luật ghi nhận. 

Bởi vậy, đối với những hình ảnh tại phiên tòa của bị can, bị cáo thì việc đưa thông tin cần có những quy định cụ thể để vừa đảm bảo bảo vệ quyền con người, quyền công dân, vừa thể hiện tính công khai trong hoạt động xét xử. Ví dụ, nhiều quốc gia quy định báo chí đưa tin phiên tòa không được trực tiếp chụp ảnh, ghi hình khuôn mặt của bị cáo, cần phải che mờ hoặc ghi hình ảnh từ phía sau lưng, hoặc đưa hình ảnh là hình họa của bị cáo. Quy định đó vừa đảm bảo được tính công khai, tăng cường cơ chế giám sát vừa đảm bảo được quyền hình ảnh của bị cáo tại phiên tòa. 

Nếu Việt Nam quy định hạn chế việc ghi hình, ghi âm tại phiên tòa, trao tất cả quyền quyết định có được ghi âm ghi hình hay không cho chủ tọa phiên tòa mà không quy định về căn cứ, về lý do và trách nhiệm pháp lý thì rõ ràng quyền tự do dân chủ mà Hiến pháp đã quy định sẽ không được đảm bảo trên thực tế, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin, quyền tự do báo chí, quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án. 

Đối với những trường hợp ghi âm ghi hình phiên tòa sau đó sử dụng vào các mục đích trái pháp luật, như: đăng tải lên mạng xã hội với dụng ý xấu, với mục đích xuyên tạc, bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của cá nhân hoặc xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì sẽ bị xử lý bằng chế tài của pháp luật, trong đó có thể là chế tài hành chính hoặc hình sự. 

Bởi vậy, các quyền cơ bản đã được hiến pháp quy định thì phải được cụ thể hóa bằng các văn bản luật và dưới luật, không nên dùng văn bản luật để hạn chế các quyền cơ bản của công dân. Khi xung đột về quyền thì phải có giải pháp để đảm bảo các quyền đều được thực hiện trong khuôn khổ, theo cách thức hợp lý nhất để phát huy tối đa giá trị nhân văn của nó. 

Bên cạnh đó, cũng cần tìm ra giới hạn, điểm hợp lý của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin với quyền được bảo vệ về hình ảnh, về nhân thân của công dân. Từ đó, những nội dung trong dự thảo Luật Tổ chức TAND về ghi âm ghi hình tại phiên tòa cần phải điều chỉnh cho phù hợp với Hiến pháp, với các văn bản về tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính và luật báo chí, đảm bảo tính công khai trong hoạt động xét xử, phát huy được giá trị nhân văn và hoạt động tuyên truyền pháp luật giáo dục đạo đức, lối sống qua mỗi vụ án. 

Nguon https://lsvn.vn/ban-ve-quy-dinh-ghi-am-ghi-hinh-tai-toa-phai-xin-phep-1712377211.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây