Võ sư đánh vợ chỉ là người... bất lực!

Thứ ba - 27/08/2019 03:19
Người đàn ông đánh vợ, là người đàn ông đang cố tình che đậy cảm giác không kiểm soát được vấn đề. Khi người chồng dùng đến bạo lực, có nghĩa là anh ta đã không tìm thấy được các giải pháp để giải quyết vấn đề một cách...thỏa đáng!
Võ sư đánh vợ chỉ là người... bất lực!
 

Sáng nay (27/8), mạng xã hội lan truyền một đoạn video dài hơn 2 phút ghi lại cảnh một phụ nữ trẻ bế con nhỏ còn đỏ hỏn, liên tục bị người đàn ông cao to tát, đám đá và ném sỏi vào người.

Người mẹ cùng em bé nhiều lần ngã dúi dụi xuống nền nhà nhưng người đàn ông không buông tha. Nguyên nhân được cho là do chị vợ tháo tivi ở phòng khách mang vào phòng trong cho con trai lớp 1 xem.

Thấy vậy, người chồng tức giận và chửi bới ầm ĩ: “Thế mày hỏi ý kiến tao chưa? Mày không cho tao xem à”. Rồi sau đó liên tiếp ra tay đánh vợ. Trước đó ít ngày, dư luận cũng lên cơn thịnh nộ khi một người chồng khác cũng đánh vợ túi bụi khi chị này đang bế con nhỏ.

Nhiều câu hỏi được đặt ra, vì sao nam giới Việt lại có thể “dạy vợ bằng nắm đấm” như vậy? Chia sẻ với Infonet về vấn đề này, Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành (giảng viên trường ĐH FPT), từng có thời gian làm chuyên viên tư vấn đường dây nóng hỗ trợ hôn nhân gia đình cho rằng, “chuyện chồng “dạy” vợ bằng “nắm đấm” không phải là câu chuyện “mới mẻ” ở Việt Nam.

Tuy nhiên, trước kia với quan niệm “đẹp phô ra, xấu xa đạy lại”, “xấu chàng, hổ thiếp” và chuyện trong nhà vợ chồng phải “đóng cửa bảo nhau” nên phụ nữ không dám công khai lên tiếng. Họ sợ bị đánh giá, sợ bị dè bỉu, sợ bị xét nét… nên nhiều phụ nữ đã phải âm thầm chịu đựng sống trong bạo hành, giấu kín mọi nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.

“Tôi từng chứng kiến, không chỉ phụ nữ có gia đình mà ngay cả những phụ nữ không kết hôn, mới chỉ trong giai đoạn yêu đương thôi cũng đã bị bạn tình đánh lên bờ, xuống ruộng”, Ths. Hà Thành nói.

Xét dưới góc nhìn xã hội, việc nhiều phụ nữ dám tố cáo chồng bạo hành gần đây, Ths. Hà Thành lại đánh giá “đó là tín hiệu tốt”. Điều ấy cho thấy, chị em đã dũng cảm bảo vệ quyền lợi của mình cũng như bản thân cho dù người đó là chồng hay bạn tình của mình.

“Đặc biệt khi một phụ nữ bị chồng đánh, thì xã hội đã lên tiếng bảo vệ để người sau có cảm giác an toàn để lên tiếng tiếp”, bà Hà Thành nhấn mạnh.

Với hành vi của nhiều ông chồng sử dụng vũ lực tấn công vợ, dạy vợ kiểu “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” khiến dư luận bức xúc gần đây, Ths Hà Thành lý giải “do quan niệm từ xưa khi mà tư tưởng gia trưởng  vẫn còn rất mạnh mẽ trong xã hội”.

“Nhưng người ta vẫn nói rằng, ở đâu có bạo lực thì ở đó có bất lực. Nhất là trong mối quan hệ vợ chồng, mối quan hệ yêu đương. Đôi khi người đàn ông cũng có những căng thẳng, nhưng họ đã không thể tìm cách để hóa giải mối quan hệ ấy một cách hợp lý.

Cho nên họ nghĩ rằng, việc đánh đập vợ là cách nhanh nhất để giải phóng ức chế nhưng vô tình lại đẩy cả người chồng lẫn vợ, thậm chí cuộc hôn nhân đấy vào một căng thẳng, ức chế leo thang hơn chứ nó không thể giải quyết được những xung đột trong mối quan hệ”, Ths Hà Thành nhấn mạnh.

Bởi, việc đánh vợ chứng tỏ, người đàn ông bất lực trước vấn đề, giải pháp của vấn đề nên họ dùng bạo lực để thay thế. Thực ra trong mối quan hệ gần gũi của gia đình, vợ chồng trong mối quan hệ luyến ái, yêu đương thì vũ lực không phải là cách thức giải quyết vấn đề.

 

 


 

Tác giả bài viết: N. Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây