Từ ngày 15.9, 4 trường hợp nào CSGT được dừng xe để kiểm tra phương tiện?

Chủ nhật - 17/09/2023 23:11
(Phản biện) - Từ ngày 15.9, có 4 trường hợp Cảnh sát giao thông được dừng xe kiểm tra phương tiện vi phạm giao thông, trong đó có việc tiếp nhận phản ánh từ các cá nhân, từ đó xử lý theo quy định.
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý phương tiện vi phạm giao thông qua tin báo từ người dân. Ảnh: CAHN
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý phương tiện vi phạm giao thông qua tin báo từ người dân. Ảnh: CAHN

Người dân có quyền tố giác hành vi vi phạm giao thông

Bộ Công an đã ban hành Thông tư 32/2023 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông. Theo đó, Thông tư 32/2023/TT-BCA sẽ có hiệu lực từ 15.9.2023.

Theo thông tư này, Cảnh sát giao thông tuần tra sẽ được dừng xe kiểm soát trong 4 trường hợp:

Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe cộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Trên thực tế, "quyền lực" của người dân về việc phản án, tố giác các hành vi vi phạm giao thông đã được thực hiện trước đó.

Cụ thể, theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, từ ngày 8.8, đơn vị đã bắt đầu tiếp nhận thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố qua Zalo "Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội" và đường dây nóng 0243.942.4451.

Qua 10 ngày, đơn vị đã tiếp nhận 33 tin phản ánh vi phạm trật tự giao thông, trong đó, 32 tin tập trung vi phạm lỗi trên đường Vành đai 3 trên cao, cầu Vĩnh Tuy và một số địa điểm khác.

Qua phân loại, xác định có 19 tin đủ điều kiện xử lý theo thẩm quyền, Phòng Cảnh sát giao thông đã giao các đơn vị địa bàn xử lý kịp thời.

Điển hình, khoảng 8h15 ngày 17.8, người dân cung cấp về việc trên đường Vành đai 3 trên cao có tình trạng xe ba bánh tự chế lưu thông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Đội Cảnh sát giao thông số 6 và số 14 sau đó đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1 xe ba bánh tự chế do ông Đ.V.H (55 tuổi), điều khiển xe vi phạm vào đường cao tốc, không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe.

4 yêu cầu với việc dừng, kiểm soát phương tiện

Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, việc dừng, kiểm soát phương tiện phải an toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông;

Khi đã dừng phương tiện giao thông, phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.

Khi dừng, kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông phải bảo đảm yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này và yêu cầu sau:

Đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm tuyến đường giao thông để triển khai chiều dài đoạn rào chắn cho phù hợp, bảo đảm an toàn;

Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý vi phạm; căn cứ tình hình thực tế tại khu vực kiểm soát, chuyên đề kiểm soát, có thể bố trí cán bộ Cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông.

Theo https://laodong.vn/phap-luat/tu-ngay-159-4-truong-hop-nao-csgt-duoc-dung-xe-de-kiem-tra-phuong-tien-1239358.ldo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây