Cần xem xét lại Điều 623 Bộ luật Dân sự (?!)

Thứ hai - 20/12/2021 02:40
(Phản biện) - Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017, đã góp phần điều chỉnh một số quan hệ xã hội mà Bộ luật Dân sự 2005 chưa quy định. Đây là đạo luật rất quan trọng, có thể nói là chỉ đứng sau Hiến pháp. Tuy nhiên sau khi đi vào cuộc sống, Bộ luật Dân sự 2015 đã bộc lộ bất cập, mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự năm 2005. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi bàn về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với bất động sản theo Bộ luật Dân sự 2015.
Bộ luật Dân sự 2015
Bộ luật Dân sự 2015
Theo đó, tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2005 quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế  Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Với quy định này của Bộ luật Dân sự 2005 thì không phân biệt động sản hay bất động sản đều có thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là 10 năm. Bộ luật Dân sự 2005 hết hiệu lực thi hành vào lúc 24 giờ ngày 30 tháng 6 năm 2017. Nghĩa là kể từ 24 giờ ngày 30 tháng 6 năm 2007 trở về trước thì đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với Bộ luật Dân sự 2005.

Tuy nhiên tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu thừa kế như sau: Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản”. Như vậy theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là 30 năm đối với bất động sản, nghĩa là kể từ 00 ngày 01 tháng 7 năm 2017 thì thời hiệu chia thừa kế tính từ 00 giờ ngày 01 tháng 7 năm 1987 trở về sau trong hạn 30 năm đến thời điểm mở thừa kế, có quyền yêu cầu chia thừa kế. Tức là thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với bất động sản tính hồi tố trở về trước 20 năm so với Bộ luật Dân sự năm 2005.

Quy định này của Bộ luật Dân sự năm 2015 là không phù hợp, không có tính kế thừa Bộ luật Dân sự 2005, mâu thuẫn với nhau, làm phát sinh khiếu kiện chia thừa kế trong xã hội không thể giải quyết được. Chúng tôi lấy ví dụ sau đây để chứng minh:
         
Vợ chồng ông Nguyễn Văn L và Châu Thị L có 04 người con đều đã trên 50 tuổi. Vợ chồng ông bà L có diện tích đất 500m2. Năm 2005, ông L chết không để lại di chúc. Năm 2009 bà L chết có để lại di chúc cho người con nhỏ nhất được hưởng toàn bộ tài sản của ông bà L để lại. 
Theo Bộ luật Dân sự năm 2005 thì đến năm 2015 hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế tài sản của ông L nên toàn bộ tài sản của vợ chồng ông L thuộc về người con nhỏ nhất. Tuy nhiên tháng 10 năm 2017 những người con lớn của  ông bà L khởi kiện chia thừa kế phần tài sản của ông L chết để lại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì còn thời hiệu chia thừa kế tài sản của ông L. Như vậy xảy ra mâu thuẫn giữa Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu chia thừa kế tài sản là bất động sản của ông L. Đây là bất cập của luật làm phát sinh tranh chấp khiếu kiện không thể giải quyết được.

Chúng tôi giả thuyết rằng, nếu trong trường hợp ông bà L chết năm 1990 thì sau năm 2000 toàn bộ di sản của ông L thuộc về người con nhỏ nhất. Sau đó  người con nhỏ nhất chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, cứ như vậy thửa đất đã được chuyển nhượng qua 10 lần và người nhận chuyển nhượng cuối cùng đã xây dựng công trình hàng ngàn tỷ đồng trên đất thì hậu quả sẽ là không thể tưởng tượng được khi giải quyết chia thừa kế mà những người cùng hàng thừa kế đều có yêu cầu nhận hiện vật là quyền sử dụng đất. Rõ ràng khi giải quyết thì phải mở thừa kế và chia di sản theo Bộ luật Dân sự 2015, tuyên bố các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu tùy theo lỗi của các bên. Trong trường hợp này, người con nhỏ nhất của ông bà L không có lỗi vì đã thực hiện đúng quy định của pháp luật lúc đó; những người tham gia vào việc chuyển nhượng sau đó cũng thực hiện đúng pháp luật; lỗi ở đây là do Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện chia thừa kế có tính hồi tố, có mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 như đã nêu trên.

Với lý do bất cập như trên, chúng tôi nhận thấy Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp (cơ quan soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015) xem xét lại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Để giải quyết bất cập nêu trên, chúng tôi thiết nghĩ Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về việc thực hiện Bộ luật Dân sự 2015, trong đó có vấn đề về thời hiệu chia thừa kế theo hướng quy định kể từ 00 giờ ngày 01/7/2017 những trường hợp đã hết thời hiệu chia thừa kế theo Bộ luật Dân sự 2005 thì không áp dụng thời hiệu chia thừa kế của Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết. Có như vậy mới không chồng chéo, phát sinh mâu thuẫn, bất ổn xã hội.                                                                                      
 

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây