Yêu cầu đặt cọc ảnh nóng để cho vay: Thủ đoạn nguy hiểm của tín dụng đen

Thứ tư - 09/11/2022 22:51
(Phản biện) - Nhóm tội phạm cho vay lãi nặng giao kèo với người cần vay tiền bằng việc đặt cọc ảnh nóng, video nhạy cảm để nếu họ chậm trả sẽ “khủng bố”, đòi nợ. Cơ quan chức năng đã vạch ra thủ đoạn và cảnh báo tới người dân về những hệ lụy khi vay tiền bằng hình thức này.  
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ đoạn thế chấp ảnh nóng để vay tiền

 

Đầu tháng 11, Công an tỉnh Bình Dương thông tin về vụ án Phạm Bá Thụy (40 tuổi, ngụ thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho chị P.N.T vay với mức lãi suất kinh khủng lên đến 8.640% một năm.

Từ số tiền vay ban đầu 90 triệu đồng, chỉ sau hơn 1 năm không trả kịp lãi, Thụy tính lãi mẹ đẻ lãi con đã lên đến gần 10 tỉ đồng, mặc dù trước đó chị T đã đóng lãi cho Thụy hơn 4 tỉ đồng.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương, thủ đoạn hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” cũng theo cách thức truyền thống là dán quảng cáo, phát tờ rơi, đăng thông tin trên mạng xã hội Zalo, Facebook để tìm “con mồi”.

Đặc biệt là chúng không yêu cầu người vay cung cấp giấy tờ tùy thân, không viết giấy vay nợ mà chỉ cần cung cấp hình ảnh “nhạy cảm” cá nhân và số điện thoại của người thân.

Một cách thức phổ biến khác của "tín dụng đen" là lập các hợp đồng giả cách mua bán tài sản có giá trị cao với người cần vay số tiền lớn trong thời gian ngắn. Đến khi người vay mất khả năng chi trả sẽ bị buộc chuyển quyền sở hữu tài sản đã thế chấp cho các đối tượng cho vay.

Gắn liền với cách thức trên là thủ đoạn mua bán nợ. Kẻ cho vay lập hợp đồng với công ty mua bán nợ (một hình thức biến tướng của công ty đòi nợ thuê) để khi con nợ không trả tiền đúng hạn sẽ sử dụng các thủ đoạn quấy rối, khủng bố (tạt sơn, tạt chất bẩn, nước thải…) để đòi nợ theo hợp đồng. 

Từ hồi cuối tháng 10.2021, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã bắt nhóm đối tượng chuyên cho các cô gái mại dâm vay nặng lãi với hình thức “bốc bát họ”, thế chấp bằng hình ảnh nhạy cảm. Khi nạn nhân chậm trả nợ thì bị dọa tung “ảnh nóng” lên mạng.

Liên quan đến đường dây này, Công an quận Nam Từ Liêm đã khởi tố, tạm giam Nguyễn Thị Vân Anh (29 tuổi), Bùi Ngọc Thủy (37 tuổi) và Khương Thị Tuyến (29 tuổi) đều ở Hà Nội để điều tra về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Theo cảnh sát, Vân Anh và Huy đã cho gần 1.000 người vay với tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng. Cả hai đã thu gốc, lãi của gần 800 người, còn 210 người vẫn phải trả gốc lãi hằng ngày với mức lãi suất từ 146-730%. Số tiền cả hai được hưởng lợi trong việc cho vay lãi nặng và giao dịch dân sự là hơn 1,3 tỉ đồng.
 

Tăng cường triệt phá các đường dây tín dụng đen
 

Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an thông tin, tình hình hoạt động tín dụng đen hiện nay vẫn diễn biến phức tạp. Các thủ đoạn mới của đối tượng đã xuất hiện, như việc cho vay tín dụng đen thế chấp bằng hình ảnh nhạy cảm.

Thủ đoạn trên của các đối tượng tín dụng đen phần nào đã ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội. Nhiều người trót vay bằng ảnh “nhạy cảm” phải sống trong cảnh thấp thỏm, bất an. Các đối tượng rất manh động, đồng thời do vấn đề vay nợ đã phát sinh một số hành vi như cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản.

Theo Cục Cảnh sát Hình sự, bên cạnh việc lực lượng chức năng nỗ lực điều tra, triệt phá các đường dây tín dụng đen, người dân cũng cần tỉnh táo, tránh mắc vào những cái bẫy mời chào “đường mật” của các đối tượng. Lực lượng chức năng vẫn sẽ tổ chức đấu tranh với các băng nhóm, đường dây hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê có tính chất nguy hiểm, liên tuyến, liên địa bàn và tập trung đấu tranh với các đối tượng là người nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên các cơ sở kinh doanh để hoạt động “tín dụng đen” cho vay qua các app trên các thiết bị điện tử. Trong đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ mặc dù không vay tiền.

Người dân tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong công ty, đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền.

Theohttps://laodong.vn/phap-luat/yeu-cau-dat-coc-anh-nong-de-cho-vay-thu-doan-nguy-hiem-cua-tin-dung-den-1114774.ldo
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây