Viết tiếp bài: “Từ lá đơn kêu cứu của gia đình liệt sĩ, vì sao Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định đứng trên pháp luật"

Chủ nhật - 21/11/2021 05:05
(Phản biện) - Theo quy định của pháp luật (khoản 7, Điều 242 Luật Tố tụng hành chính 2015), Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Có nghĩa trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Bản án, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định phải tổ chức thi hành án để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho gia đình ông Đinh Tới. Việc đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm lên Chánh án TAND tối cao hay Viện trưởng VKSNDTC đều không làm ảnh hưởng đến việc thi hành án...
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật

Kỳ 2. GIÁM ĐỐC SỞ “VÔ HIỆU HÓA’… BẢN ÁN PHÚC THẨM

Như chúng tôi đã thông tin trong Bài 1, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định đã vận dụng "lệch pha", cố tình "bẻ lái" cách hiểu nội dung điều luật điều chỉnh tại quy định tại Quyết định 118/TTg theo hướng bất lợi đối với gia đình ông Tới, theo đó đã đấy người con liệt sĩ đang lâm vào cảnh vô gia cư. Tiếng kêu oan ức của cụ già 86 tuổi (cũng đồng thời là con liệt sĩ) đã thấu đến trời xanh.

Không chấp nhận pháp luật bị “bẻ lái”, tại Bản án phúc thẩm số 77/2020/HC-PT ngày 24/12/2020, những người cầm cân nẩy mực TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên xử: Sửa Bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Định xét xử ngày 8/9/2020. Đồng thời buộc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định và Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định giải quyết lại trên cơ sở hồ sơ và đề xuất của UBND TP Quy Nhơn, theo hướng chấp nhận ông Đinh Tới là đối tượng đủ điều kiện để xem xét giảm tiền sử dụng đất, đối với lô đất ở tái định cư số 39-ĐƠ 10 đã được Nhà nước giao tại Khu TĐC Đê Đông – Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.

Với phán quyết trên của Bản án phúc thẩm, công lý đã thuộc về ông Tới và gia đình. Tưởng chừng hạnh phúc đã thật sự mỉm cười với cụ già 86 tuổi, nào ngờ từ đây ông lại tiếp tục “cuộc hành trình mới” mỏi mòn chờ đợi kết quả thi hành án, bỡi sự cố chấp và không thượng tôn pháp luật của người đứng đầu ngành LĐ,TB&XH tỉnh này.

Sau khi nhận được Bản án trên, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định đã phớt lờ không tổ chức thi hành án theo luật định mà để kéo dài vô thời hạn. Sau gần 7 tháng kiên nhẫn chờ đợi, ngày 20/7/2021, ông Tới lại phải làm Đơn gửi đến TAND tỉnh Bình Định yêu cầu ra quyết định buộc THA hành chính (heo quy định tại Điều 312 Luật TTHC và Điều 11 Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ). Tất nhiên thủ tục này, ông Tới biết được là nhờ vào sự hỗ trợ giúp đỡ của luật sư.

Ngày 27/7/2021, Chánh án TAND tỉnh Bình Định đã ra Quyết định số 06/2021/QĐ-THA buộc thi ành án hành chính đối với Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định và Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định. Theo đó ngày 28/7/2021, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 151/QĐ-CTHADS phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi THA hành chính đối với Bản án số 77/2020 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên những nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền và Đơn kêu cứu của cụ già 86 tuổi gửi đến các cấp lãnh đạo tỉnh cũng không làm thay đổi ý chí không tổ chức THA đối với Giám đốc Sở này.

Trước sự im lặng bất thường trên, (chiều 9/11), PV Pháp lý đã chính thức có cuộc làm việc với ông Nguyễn Mỹ Quang – Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định, nhằm làm rõ thực hư. Tại buổi làm việc, ông Quang giải thích: Lý do đến nay Sở vẫn chưa tổ chức thi hành án đối với Bản án của TAND cấp cao tại Đà Nắng là do Sở có Đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm lên Chánh án TAND tối cao và Viện KSND tối cao. Ông Quang đã cung cấp cho PV xem Giấy xác nhận số 753/XN-VKSTC-V12 ngày 02/8/2021 của Viện KSND tối cao về việc nhận đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm của Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định vào ngày 19/7/2021 (tức là chỉ mới gửi đi trong gần cuối tháng 7 này).

Như vậy từ Giấy xác nhận của Viện KSND tối cao đã lộ ra một “góc khuất” không thượng tôn pháp luật ? Phải gần 7 tháng sau khi nhận được Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nắng, ông Quang mới nhân danh Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định gửi đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Điều đó cũng có nghĩa 7 tháng trước đó, mặc dù không hề có quan điểm gì đối với Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, nhưng ông Quang vẫn phớt lờ việc tổ chức thi hành án theo quy định pháp luật.

Mặc dù vậy tại buổi làm việc, ông Quang không thừa nhận việc không tổ chức thi hành án là sai pháp luật. “Khi nào nhận được phản hồi của các cơ quan có thẩm quyền tối cao không có cơ sở kháng nghị Bản án thì tôi sẽ xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh cho tổ chức thi hành bản án để đảm bảo quyền lợi cho gia đình ông Tới”, ông Quang cho biết.

Trả lời của người đứng đầu ngành LĐ,TB&XH tỉnh Bình Định là đồng nghĩa với quy định tại khoản 7 Điều 242 Luật TTHC 2015: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án” không có giá trị pháp lý điều chỉnh. Hay nói cách khác ông Giám đốc Sở LĐ,TB&XH đã đứng trên pháp luật: Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao tại Đà Nẵng không buộc được ông phải thi hành (?!)


(Còn nữa)
Kỳ 3. Các chuyên gia luật và dư luận nói gì ?

                 
QĐ buộc THA
Quyết định buộc thi hành án hành chính của Chánh án TAND tỉnh Bình Định

   
QĐ theo dõi THA
Quyết định phân công chấp hành viên theo dõi thi hành Bản án của Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định

Tác giả bài viết: Luật gia, Nhà báo Minh Trung (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây