Cần có giải pháp chặn đứng nguy cơ "hình sự hóa dân sự" đang trỗi dậy gây khó doanh nghiệp !

Thứ bảy - 07/03/2020 04:04
“Không hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế”, đó là một trong số nội dung được cho là “linh hồn” của bản Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào khoảng giữa năm 2016. Tuy nhiên sau gần 4 năm thực hiện, các doanh nghiệp đã và đang quan ngại chủ trương lớn của Chính phủ đứng trước nguy cơ “đầu voi, đuôi chuột” bỡi sự trỗi dậy của một số vụ việc dân sự bị hình sự hóa xảy ra gần đây.
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng đối thoại cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng đối thoại cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Cần có giải pháp chặn đứng nguy cơ "hình sự hóa dân sự"  trỗi dậy gây khó doanh nghiệp !
           
      Bài viết của Luật gia Vũ Lê Minh
                   
      

                 Thủ tướng tại Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2

     
Nhìn từ 2 vụ án điển hình vừa xảy ra năm 2019
      
Công ty TNHH MTV Minh Đại (tiền thân của Công ty cổ phần thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu), do vợ chồng ông Ngô Chí Dũng thành lập chuyên chuyên kinh doanh, chế biến thủy, hải sản. Giữ lúc vụ tranh chấp trả nợ vay giữa Công ty này với BIDV Bạc Liêu đang được Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết theo trình tự 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm, thì bất ngờ Công an tỉnh Bạc Liêu có quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại BIDV Bạc Liêu. Vụ án sau đó đã được TAND tỉnh Bạc Liêu đưa ra xét xử và tuyên các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với mức hình phạt tổng cộng 48 năm tù/ 3 bị cáo…

     
Hành vi trên (trong cùng một thời điểm, cùng một vụ việc nhưng hai cơ quan tố tụng lại vừa xử lý mặt dân sự vừa khởi tố hình sự) của các cơ quan tố tụng tỉnh Bạc Liêu, theo các cơ quan tố tụng cấp cao tại TP. HCM là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trong phần nhận định trước khi tuyên hủy Bản án sơ thẩm, Bản án phúc thẩm ngày 27/2/2019 của TAND cấp cao TP.HCM đã chỉ ra hàng loạt các vi phạm của cấp sơ thẩm, như: Khởi tố, bắt tạm giam người khi chưa có sự phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp; trước khi vụ án được khởi tố, hai bên đã thỏa thuận được với nhau; cấp sơ thẩm không xác định được BIDV Bạc Liêu là nguyên đơn dân sự hay là bị hại trong vụ án… Còn theo Viện KSND cấp cao TP.HCM, việc quy kết các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt 19 tỉ đồng chưa thỏa mãn dấu hiệu của tội lừa đảo vì “các bị cáo không có hành vi gian dối, không có thiệt hại xảy ra với ngân hàng, tài sản thế chấp lớn hơn dư nợ rất nhiều”.


                      
      Vợ chồng ông Ngô Chí Dũng liên tục kêu oan cho rằng vụ việc của mình đã bị hình sự hóa.

     
“Cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự giữa Công ty Minh Đại và BIDV Bạc Liêu. Đồng thời, việc khởi tố của cơ quan điều tra là vi phạm điều 100 Bộ luật Tố tụng Hình sự vì Ngân hàng không có đơn tố cáo Công ty Minh Hiếu” - TAND cấp cao còn nhận định. Điều khiến các DN quan ngại, sau khi nhận hồ sơ điều tra lại, mới đây Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu có kết luận điều tra và tiếp tục đề nghị truy tố các bị can tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (?!)

     
Một vụ việc khác khiến dư luận “dậy sóng” cũng xảy ra trong năm 2019: Đó là vụ tranh chấp khối tài sản 30.000 tỷ xảy ra trong gia tộc bà Tư Hường (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàn Cầu), đứng trước nguy cơ bị các cơ quan tố tụng đẩy tới… bờ vực hình sự hóa dân sự. Trong khi theo các chuyên gia pháp lý, vụ việc có tính chất dân sự nhiều hơn hình sự vì bản chất là tranh chấp thừa kế tài sản, vì tranh chấp cổ phần cổ phiếu cũng được coi là một loại tài sản. Sau khi bà Tư Hường chết để lại khối tài sản (gồm cổ phần, cổ phiếu, vốn góp, bất động sản), đương nhiên sẽ phát sinh quyền thừa kế của những người được hưởng. Nếu giữa các đồng thừa kế phát sinh tranh chấp về thừa kế thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu tòa giải quyết, chứ không thể xử lý hình sự bằng việc khởi tố vụ án. Mặt khác, trước khi qua đời, bà Tư Hường chuyển giao việc kinh doanh cho con trai mình là Nguyễn Quốc Toàn được sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình, trong đó có ông Nguyễn Chấn – người đã gửi đơn đến CQĐT tố cáo.

     
Từ 2 vụ việc điển hình trên cho thấy, các cơ quan tố tụng ở 2 địa phương đang đi ngược lại chủ trương “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự” đã được Chính phủ đề cập trong Nghị quyết số 35. Hệ lụy của “hình sự hoá”, không chỉ gây ra những hậu quả thiệt hại về vật chất, về con người mà quan trọng hơn nó gây phiền hà cho các hoạt động kinh doanh, gây tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư, theo đó làm giảm năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp, và xa hơn nữa làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư vào sự nghiệp phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.  

     
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng khẳng định không có khái niệm và chủ trương hình sự hóa (trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp kéo dài từ 8h đến gần 13h30 vào ngày 29/4/2016). Tuy nhiên ông thừa nhận vẫn còn tình trạng một số cán bộ do thoái hóa biến hất, không nắm vững pháp luật, không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ… nên có hành vi vi phạm pháp luật, để xảy ra oan sai, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân.

     
Dư luận đặt dấu hỏi, liệu những cán bộ trong các cơ quan tố tụng có liên quan đến vụ án và vụ việc xảy ra tại 2 địa phương nói trên có rơi vào tình trạng thái hóa biến chất hay không nắm vững pháp luật như nhận xét của người đứng đầu ngành Công an (?)

     
Cũng tại cuộc đối thoại lịch sử này,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chính phủ và Bộ Công an không chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Hoạt động của lực lượng công an là để phục vụ phát triển, phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả những vi phạm pháp luật dù là của cá nhân, doanh nghiệp hay của cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ được xử lý nghiêm minh”. Lời cam kết của người đứng đầu Chính phủ mang tính răn đe hơn 3 năm về trước khiến cộng đồng doanh nghiệp phấn chấn, giờ đây có dấu hiệu bị “lờn thuốc”.


 

 Ông TRẦN MINH CHẤT, Phó Chủ nhiệm Khoa nghiệp vụ Cảnh sát kinh tế, Học viện Cảnh sát nhân dân: 1. Nguyên nhân của hiện tượng “hình sự hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế, trước hết xuất phát từ sự thiếu minh bạch trong hệ thống pháp luật hình sự, kinh tế, dân sự ở nước ta. 2. Do những sai lầm, vi phạm của các cơ quan và cá nhân tiến hành các hoạt động tố tụng trong tổ chức điều tra các vụ án kinh tế cũng như từ những sai lầm, vi phạm của những người tham gia quan hệ kinh tế, dân sự. 3. Hiện tượng “hình sự hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế còn có nguyên nhân từ các hoạt động của các cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm soát các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế…


Để các doanh nghiệp không bị "run" khi đầu tư bị rủi ro

Như vậy nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hình sự hóa trong quan hệ kinh tế, hay trong dân sự không không chỉ là do hệ thống pháp luật có vấn đề mà là nằm ở con người, những cán bộ thuộc các cơ quan tố tụng đã và đang thực thi pháp luật. Vậy làm cách nào để góp phần ngăn chặn thực trạng trên, các chuyên gia luật đã đề xuất quan điểm:
       
Luật sư Nguyễn Xuân Khánh – Đoàn Luật sư tỉnh Đăk Lăk:
Mặc dù thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhằm thực hiện các yêu cầu về nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng với mục đích chống các hiện tượng “hình sự hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế. Tuy nhiên hệ thống pháp luật điều chỉnh các hành vi này trong thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề chồng chéo, khó xác định ranh giới, bởi vậy rất dễ bị lạm dụng để phục vụ cho những mục đích tư lợi.

      
Vì vậy để ngăn chặn hiện tượng “hình sự hoá” và “phi hình sự hoá” các quan hệ kinh tế, dân sự thì hệ thống pháp luật liên quan phải được sửa đổi, bỏ sung theo hướng cụ thể hoá. Phải phân định một cách rõ ràng giữa hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế với tội phạm. Đặc biệt là cần có qui định chặt chẽ mang tính đặc thù đối với việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng như bắt người, tạm giữ, tạm giam… mà đối tượng đó đang là người đứng đầu DN chịu trách nhiệm giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Các qui định để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền tham gia tố tụng của luật sư phải được bình đẳng với điều tra viên, kiểm sát viên trong toàn bộ quá trình điều tra, xử lý các vụ án hình sự về kinh tế…”.

       
Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định):
Phải tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nhằm chống lại hiện tượng “hình sự hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế. Hoàn thiện pháp luật phải trên cơ sở tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phải gắn liền với việc cải cách hành chính, đảm bảo phát huy một cách tốt nhất quyền giám sát kiểm tra của nhân dân cũng như các tổ chức chính trị xã hội khác đối với việc áp dụng các qui phạm pháp luật giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự của các cơ quan nhà nước.

      
Đẩy mạnh việc thi hành Chỉ thị 02/1998/CT-TTg ngày 07 tháng 1 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giáo dục và phổ biến pháp luật, nâng cao dân trí, đảm bảo để các chủ thể tham gia các quan hệ kinh tế, dân sự phân biệt được đâu là vi phạm các qui định pháp luật về kinh tế, đâu là vi phạm các qui định pháp luật về hành chính, đâu là hành vi tranh chấp dân sự, đâu là tội phạm. Tăng cường quản lý nhà nước trong áp dụng pháp luật giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự đồng thời củng cố vai trò các cơ quan kiểm tra, giám sát để đảm bảo kịp thời phát hiện và ngăn chặn, khắc phục hiện tượng “hình sự hoá” các tranh chấp kinh tế và “phi hình sự hoá” trong điều tra các vụ án kinh tế.

       
Luật sư Lưu Bá Khiết (Đoàn Luật sư TP. HCM): Phải tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án. Đây là tiền đề để chống các hiện tượng oan sai trong hoạt động tố tụng.

      
Nâng cao nhận thức pháp lý cho đội ngũ cán bộ này còn mang tính giáo dục, phòng ngừa rất cao. Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần có kế hoạch thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra giám sát những hoạt động của cán bộ trong ngành mình có liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo để các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế và tội phạm kinh tế được phát hiện và xử lý đúng pháp luật, đồng thời không để hiện tượng oan sai xẩy ra.

     
Đồng thời phải tăng cường biện pháp chế tài, phải xử lý nghiêm những cán bộ tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các đại biểu
Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thường xuyên tổ chức giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm ngăn chặn hành vi hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đúng như giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 35/CP.

 

Tác giả bài viết: Luật gia V.L.M

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây