Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có một sự thay đổi về số lượng, tên gọi các vụ“

Thứ tư - 22/02/2017 18:37
(PL News) - Hội thảo là một trong các hoạt động chuẩn bị cho Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
"Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có một sự thay đổi về số lượng, tên gọi các vụ“
"Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có một sự thay đổi về số lượng, tên gọi các vụ“

 

 

Có 20/22 bộ, ngành đề nghị tăng biên chế

Cập nhật số liệu tại hội thảo, ông Thái Quang Toản - Vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) cho hay, tổng hợp số liệu đến 21.2 thì có tới 20/22 bộ, ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) đã đề nghị tăng tổ chức bên trong và biên chế. Theo ông Toản, đến nay mới chỉ có Bộ Công thương xin giảm cơ cấu, giải tán một tổng cục để cơ cấu lại thành vụ và Bộ Nội vụ đề xuất giảm cơ cấu bên trong.

Ông Toản cũng cho hay, ở các địa phương từ đầu năm 2016 đến nay đã tăng thêm 13 sở du lịch, mà xuất phát đầu tiên từ TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh... Ông Toản cũng chỉ rõ, mặc dù đã có Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Quốc hội, Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế nhưng thực trạng hiện nay là việc các bộ không đề nghị giảm biên chế mà còn đòi tăng lên.

Ông Toản cho biết, thực hiện Nghị định 108 của Chính phủ, đến nay trên toàn quốc đã giảm được hơn 22,3 nghìn người. Trong đó khối đảng đoàn thể hơn 900 người, khối hành chính (đến cấp huyện) là hơn 2,7 nghìn người, khối sự nghiệp (đến cấp xã) là hơn 14,5 nghìn trong đó ngành giáo dục là 9,6 nghìn, y tế là 2,3 nghìn.

Được đề nghị phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nói rất ngắn gọn vì không phụ trách lĩnh vực này. Bà Thoa cho hay Bộ Công Thương đã rất quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế, Bộ đã giảm từ hơn 30 đầu mối xuống còn 28.

"Có lãnh đạo quan niệm rằng bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai"

Tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho hay, trong hệ thống thể chế của Chính phủ lâu nay có nghị định quy định chung về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang bộ nhưng lại có vấn đề về tính “hợp pháp”.

Nêu ví dụ về Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, ông Sơn cho hay, nếu đối chiếu với Luật Tổ chức Chính phủ thì không tìm thấy căn cứ pháp lý về nội dung của Nghị định này.

Theo ông Sơn, các quy định liên quan của Chính phủ khá định tính, mềm dẻo. Cá biệt đã đưa ra những quy định riêng để phá cái chung, vô hiệu hoá cái cơ bản. Trong đó, những nội dung xác định vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cấp Vụ khá lỏng lẻo, trừu tượng.

Chuyên gia này cho rằng, trong nhiều năm qua việc xác định cho phép thành lập, xác định tên đơn vị, xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các Vụ là một sự dễ dãi, thậm chí tuỳ tiện theo ý muốn chủ quan của người đứng đầu.

“Mỗi nhiệm kỳ mỗi đời bộ trưởng lại có một sự thay đổi về số lượng, tên gọi các vụ. Sự thay đổi này chủ yếu theo hướng tăng thêm chia nhỏ chức năng. Cá biệt có lãnh đạo quan niệm rằng bộ có nhiều đầu mối, nhiều đơn vị cấp dưới mới oai, mới thể hiện vị thế của bộ ngành mình”, ông Sơn nói.

Việc định chuẩn không chặt chẽ, nhận thức không đúng đắn, theo ông Sơn dẫn đến hiện trạng số đơn vị cấp vụ thuộc Bộ có sự biến động, thay đổi nhiều, nhanh. Điều này dẫn tình trạng phình bộ máy, tăng biên chế, tạo sự thiếu ổn định về tổ chức bộ máy hành chính.

Theo ông Sơn, đây là căn bệnh trầm kha khó chữa ở bộ ngành. Một số bộ trưởng muốn thực hiện chủ trương tinh gọn, tinh giản đúng định hướng cũng khó bề xoay sở vì không xử lý được quan hệ nội bộ.

“Nhìn chung, tâm lý chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm khá phổ biến. Những người thấy rõ sự bất hợp lý muốn thực hiện đúng chủ trương tinh gọn thì dễ bị cô lập, bị coi là đi ngược lại lợi ích của bộ ngành”, ông Sơn nói.

Nguồn tin: LĐO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây