Quy định về chế độ nghỉ hè của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường

Thứ tư - 22/06/2022 05:23
(Phản biện) - Căn cứ theo quy định của Luật Giáo dục, Luật giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, các Nghị định và các thông tư hướng dẫn, đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý của Văn phòng Tư vấn luật miễn phí tại 40/2 Trần Lương, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn giải đáp, tư vấn các vướng mắc pháp lý cụ thể đến quý khách hàng về chế độ nghỉ hè của giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như sau:
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Về chế độ nghỉ hè đối với giáo viên

- Đối với giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục là các trường công lập, bao gồm: trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường, lớp dành cho người khuyết tật (sau đây gọi chung là các trường phổ thông) và trường dự bị đại học thì chế độ nghỉ hè/thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có) theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT;

- Đối với giáo viên làm việc tại trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp, trợ cấp (nếu có);

- Đối với chế độ nghỉ hè của các giáo viên làm việc tại các trường dân lập (là trường học do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động), trường tư thục (là trường do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước) thì áp dụng chế độ nghỉ phép hằng năm, nghỉ hè theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019 tại Điều 113 với chế độ nghỉ hằng năm thì giáo viên có đủ 12 tháng làm việc cho một nhà trường thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

+ 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

+ 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Cứ 05 năm làm việc cho một trường học dân lập, tư thục thì số ngày nghỉ hằng năm của giáo viên theo quy định trên sẽ được tăng thêm tương ứng 01 ngày. Trong trường hợp giáo viên do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ. Giáo viên có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.

2. Chế độ nghỉ hè đối với hiệu trưởng, hiệu phó của nhà trường

Các quy định của pháp luật hiện hành, chỉ quy định về định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng nhà trường, phó hiệu trưởng nhà trường, còn không quy định riêng và cụ thể về chế độ nghỉ hè đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường, pháp luật chỉ quy định về chế độ nghỉ hè đối với giáo viên. Theo đó, chế độ nghỉ hè của hiệu trưởng, hiệu phó của nhà trường sẽ được xác định như sau:

- Đối với hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường là công chức, viên chức thì chế độ nghỉ hằng năm, nghỉ hè của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010. Trong đó, quy định của pháp luật về công chức, viên chức thì công chức, viên chức sẽ được nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hè theo quy định của pháp luật về lao động. Chính vì vậy, chế độ nghỉ hè của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của nhà trường sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 111, Điều 112, Điều 113 và Điều 114 Bộ luật lao động năm 2019

- Đối với hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường không phải là công chức, viên chức, trường hợp này là các hiệu trưởng, hiệu phó của trường dân lập, tư lập được đăng ký hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005 thì chế độ nghỉ hè, nghỉ hằng năm, nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019

Như vậy, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhà trường không phải là giáo viên nên sẽ không có chế độ nghỉ hè như đối với giáo viên. Chế độ nghỉ ngơi, chế độ làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sẽ được thực hiện theo các quy định của pháp luật lao động. Khách hàng tham khảo bài viết sau để biết thêm chi tiết: Cách tính và căn cứ thời gian để tính số ngày nghỉ hằng năm.

3. Chế độ nghỉ hè đối với người lao động, nhân viên khác làm việc trong nhà trường

Đối với những người lao động, nhân viên hành chính làm việc trong nhà trường (bao gồm cả trường công lập, dân lập, tư thục) thuộc hệ thống giáo dục ở Việt Nam, tiêu biểu như các giáo viên ký hợp đồng lao động, nhân viên bảo vệ nhà trường, các nhân viên vệ sinh, lao công làm việc trong nhà trường có ký hợp đồng lao động, nhân viên hành chính, kế toán, y tế làm việc trong nhà trường có ký hợp đồng lao động,...

Các chế độ làm việc, chế độ nghỉ ngơi, chế độ nghỉ hằng năm, nghỉ hè của những người lao động, nhân viên này sẽ được thực hiện và áp dụng theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019. Theo đó, người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một nhà trường thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

+ 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

+ 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt.

Thời gian nghỉ hằng năm của người lao động sẽ được tăng lên dựa trên thâm niên làm việc của người lao động đó trong nhà trường với cách tính là cứ 05 năm làm việc cho một trường học thì số ngày nghỉ hằng năm sẽ được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây