Pháp luật xử lý như thế nào từ vụ chủ quán ép khách quỳ ?

Chủ nhật - 23/08/2020 22:32
(TVLMP)- Chỉ ít ngày ép nữ khách hàng quỳ xuống xin lỗi mình để livestream, người chủ quán (cùng nhân viên quay hình ảnh đó) đã bị Công an TP Bắc Ninh khởi tố về tội làm nhục người khác. 
Chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện
Chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện

 


Cũng tuần rồi, người có biệt danh Huấn “hoa hồng” đã bị Thanh tra Sở TT&TT TP Hà Nội xử phạt 7,5 triệu đồng vì trước đó có những lời lẽ vu khống nhiều cán bộ, công chức, thanh niên ở TP.HCM.

Chi tiết có thể khác nhau nhưng những chuyện sỉ nhục người khác ở ngoài đời hoặc trên mạng xã hội tựa như trên đã xảy ra nhiều lần. Tùy nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính (như cách nói của nhiều người là phạt nhẹ, phạt tiền) hay truy cứu trách nhiệm hình sự (theo cách nói của nhiều người là phạt nặng, là đi tù).
 

Vậy trường hợp nào xử nhẹ, trường hợp nào xử nặng?

quán 1

Bị can Nguyễn Văn Thiện bắt nữ khách hàng phải quỳ xin lỗi và cho người livestream. Ảnh: MXH 

 

1. Phạt hành chính đối với cá nhân: Tối đa 10 triệu đồng

Sai phạm của Huấn “hoa hồng” (tên là Bùi Xuân Huấn) được các cơ quan công an xác định như sau: Ngày 21-4, khi dùng Facebook cá nhân phát trực tiếp bán hàng, Huấn nói với những người đang xem rằng “… 80% cán bộ, công chức, thanh niên TP.HCM từng sử dụng ma túy”.

Theo Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), khi được triệu tập, Huấn không cung cấp được bằng chứng về chuyện đã nói đó. Cho là Huấn đã thiếu chuẩn mực, bôi nhọ, vu khống nhiều cán bộ TP.HCM nhưng xét thấy hành vi của Huấn không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự nên cục trên đã chuyển vụ việc đến Sở TT&TT TP Hà Nội để xử phạt hành chính.

Trên cơ sở đó, Sở TT&TT TP Hà Nội đã ra quyết định xử phạt Huấn theo quy định nêu tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020. Đây là điều khoản dành cho việc vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Điều khoản này quy định: Mức phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi như cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân…

Trong vi phạm đã nêu, do Huấn không có tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng nên Sở TT&TT TP Hà Nội đã xử phạt Huấn ở mức trung bình cộng là 7,5 triệu đồng.


2. Xử hình sự: Án tù cao nhất là năm năm

So với Huấn “hoa hồng”, người chủ quán tên là Nguyễn Văn Thiện đã có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của một nữ khách hàng ở mức nghiêm trọng hơn. Chính vì mức nghiêm trọng đó mà Thiện đã bị khởi tố.

Chuyện không hay xảy ra có liên quan đến việc chị này vào ngày 17-8 đã đăng tin lên Facebook về việc miếng lòng heo của quán có giun sán. Sau đó, dù đã gỡ tin trên theo yêu cầu của nhân viên quán nhưng chị vẫn bị nhắn tin dọa nạt.

Đến lúc tới quán để nói chuyện thì chị bị đám đông trong quán đe dọa và bắt quỳ xin lỗi. Lý do được quán đưa ra là chị “đã chủ mưu nói xấu quán, nhằm hạ uy tín kinh doanh” nhưng theo chị thì chị chỉ có ý cảnh báo. Cũng theo chị này, khi người bạn đi cùng van xin, can ngăn, chủ quán đã lớn giọng quát và rút dép đánh vào má chị. Do hoảng sợ, chị lên cơn co giật, cắn chặt lưỡi nên được bạn đưa vào bệnh viện…

Điều 155 Bộ luật Hình sự quy định về tội làm nhục người khác như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp (như là phạm tội hai lần trở lên, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%...) thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.

Trong tội làm nhục người khác, người phạm tội đã có sự xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác bằng lời nói hoặc bằng việc làm.

Thể hiện bằng lời nói như sỉ nhục, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu với tính chất hạ thấp nhân cách, danh dự của người bị hại, đồng thời làm cho người bị hại cảm thấy xấu hổ, nhục nhã trước những người khác. Thể hiện bằng việc làm như có những hành vi bỉ ổi (có hoặc không kèm theo lời nói thô tục) với chính bản thân mình hoặc với người bị hại trước đám đông nhằm để bêu riếu.

Các hành vi nêu trên thường diễn ra trực tiếp, công khai, trước nhiều người.

Thường thì xử lý hình sự mất nhiều công sức hơn nên cần phải chờ một thời gian nữa mới rõ chủ quán sẽ phải chịu phạt thế nào. Tất nhiên, mức hình phạt thấp, cao sẽ tùy thuộc vào việc bị cáo không có hay có ít, nhiều tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự.

“Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”. Trong sự tổn thương danh dự, nhân phẩm, uy tín, lời dạy này của người xưa luôn còn nguyên giá trị. Điều đáng nói hơn, hành vi xâm hại nhân phẩm, danh dự của cá nhân, tổ chức theo các cách thức khác nhau đều bị xem là vi phạm pháp luật để phải bị chế tài nghiêm khắc.

Theo: https://plo.vn/phap-luat/luat-va-doi/nang-nhe-tu-vu-chu-quan-ep-khach-quy-933842.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây