Mổ xẻ phán quyết khiến Trump thua kiện

Thứ sáu - 10/02/2017 17:57
Mổ xẻ phán quyết khiến Trump thua kiện

 

 Sau khi nghe các bên tranh luận, Tòa phúc thẩm khu vực 9 đã ra phán quyết đứng về phe phản đối sắc lệnh của ông Trump trong hầu hết vấn đề quan trọng.

Những quyền lực kiềm tỏa Trump không thể tự ý hành động. Hệ thống tam quyền phân lập ở Mỹ khiến Tổng thống Trump không phải là người có quyền lực tối thượng và các cơ quan khác có quyền xem xét những quyết sách của ông.

Sắc lệnh hành pháp về nhập cư do ông Trump ban hành ngày 27/1 đang đối mặt với cuộc chiến pháp lý căng thẳng. Vụ kiện lớn nhất giữa hai bang Washington, Minnesota và chính quyền tổng thống đã được xét xử tại Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 với phần thắng thuộc về bên chống lại sắc lệnh.

Đây được coi là thất bại đầu tiên của chính quyền Trump trong cuộc đối đầu với hệ thống tư pháp Mỹ.

Nội dung chính của phán quyết

Ngày 3/2, James Robart trở thành thẩm phán đầu tiên ra phán quyết chặn thực thi sắc lệnh của Trump trên toàn quốc sau khi hai bang Washington, Minnesota đệ đơn kiện lên tòa quận Tây bang Washington nói lệnh cấm này phi pháp và vi hiến. 

Chính quyền Trump sau đó gửi đơn kháng cáo lên Tòa phúc thẩm khu vực 9. Tòa đã mở phiên điều trần ngày 7/2 nhằm xem xét hai vấn đề chính: Thẩm phán James Robart ở tòa quận Tây Washington có lạm quyền không khi xét xử vụ kiện về sắc lệnh nhập cư của ông Trump; và có khôi phục lệnh cấm theo yêu cầu của chính quyền hay không. 

Ngày 9/2, sau khi nghe các bên tranh luận, tòa ra đã phán quyết đứng về phía bên kiện sắc lệnh trong hầu hết vấn đề. 

Mo xe phan quyet khien Trump thua kien hinh anh 1
Ba thẩm phán trong hội đồng xét xử vụ kiện sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump tại Tòa phúc thẩm khu vực 9: (từ trái sang) Richard Clifton, William Canby và Michelle Friedland. Ảnh: AP.


Thứ nhất, tòa khẳng định tòa án có quyền xem xét thẩm quyền của tổng thống về vấn đề nhập cư và an ninh quốc gia. Tòa bác bỏ quan điểm của Bộ Tư pháp rằng tổng thống có thẩm quyền gần như không giới hạn trong vấn đề này.

"Chính quyền (Trump) khẳng định ngành tư pháp vượt quá quyền hạn khi phán xét tính hợp hiến của các biện pháp hành pháp", đoàn thẩm phán nêu trong bản ý kiến dài 29 trang. Tuy nhiên, đoàn thẩm phán khẳng định tuyên bố này của chính quyền chưa hề có tiền lệ và đi ngược lại nền tảng cơ bản của nền dân chủ.

Thứ hai, tòa cho rằng sắc lệnh hành pháp hạn chế di trú của ông Trump đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về Hiến pháp. Chính quyền đã không chứng minh được sắc lệnh tuân thủ các quy định của Hiến pháp khi không thông báo hay tổ chức điều trần về lệnh cấm trước khi ban hành.

Chính quyền khẳng định hầu hết hoặc tất cả những người bị ảnh hưởng không có quyền được thông báo, song tòa không đồng tình. Tòa nói rằng quyền được hưởng thủ tục tố tụng công bằng theo Tu chính án số 5 không chỉ giới hạn cho công dân Mỹ. 

Mo xe phan quyet khien Trump thua kien hinh anh 2
Ông Trump ký sắc lệnh yêu cầu tạm thời cấm công dân từ 7 nước Hồi giáo nhập cư Mỹ hôm 27/1 tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ. Tòa cho rằng sắc lệnh này vi phạm quy định của Hiến pháp về thủ tục tố tụng. Ảnh: Reuters. 


Thứ ba, tòa bác bỏ lập luận của Bộ Tư pháp cho rằng các bang thiếu cơ sở để kiện, lưu ý rằng nhiều sinh viên, giảng viên ở các trường đại học của bang đã bị ảnh hưởng vì sắc lệnh hạn chế di trú.  

"Những sinh viên và giảng viên này không thể đi lại để nghiên cứu, cộng tác về học thuật hoặc làm việc của cá nhân. Gia đình họ ở nước ngoài cũng không thể thăm nom"

"Một số người mắc kẹt ở nước ngoài, không thể quay về các trường đại học", đoàn thẩm phán cho hay. "Các trường không thể nhận những sinh viên tiềm năng và tuyển giảng viên từ 7 quốc gia bị ảnh hưởng, điều họ vẫn làm lúc trước".

Thứ tư, toàn bộ đoàn thẩm phán nhất trí giữ nguyên kết quả xét xử tại tòa cấp thấp hơn ở quận Tây bang Washington, theo đó yêu cầu hoãn thi hành các điều khoản chính trong lệnh nhập cư của ông Trump trên phạm vi toàn quốc. 

Vấn đề thứ năm cũng là kết luận quan trọng nhất, tòa bác đề nghị phục hồi lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cho rằng chính phủ không cần thiết phải khôi phục lệnh này ngay lập tức vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia. 

"Chính phủ đã không đưa ra bằng chứng cho thấy bất cứ người nước ngoài nào từ các nước nêu tên trong sắc lệnh từng tấn công khủng bố ở Mỹ", bản ý kiến của đoàn thẩm phán nêu rõ.

Phán quyết của tòa có ý nghĩa gì?

Theo Telegraph, Phán quyết của Tòa phúc thẩm khu vực 9 sẽ cho phép người tị nạn và công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn bị cấm nhập cảnh theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump tiếp tục được đến Mỹ. Du khách từ các nước này sẽ không bị bắt giữ hoặc đưa lên máy bay quay lại nước ngoài.

Tuy nhiên, lệnh hành pháp này trên thực tế vẫn tồn tại và chỉ đang bị tạm ngừng thực thi trong khi tòa án xem xét tính hợp pháp của nó. Chính quyền liên bang có 14 ngày để yêu cầu Tòa phúc thẩm khu vực 9 xem xét lại phán quyết ngày 9/2. 

Khi đó, vụ việc sẽ được phân xử lại bởi 11 người lựa chọn ngẫu nhiên trong số 29 thẩm phán thường trực của Tòa khu vực 9. Trong ban thẩm phán 11 người này có thể có hoặc không các thẩm phán đã ra phán quyết trước đó. Sau khi xét xử, hội đồng sẽ ra một phán quyết mới và có trọng lượng hơn so với quyết định ban đầu.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể đệ đơn khiếu nại khẩn cấp lên Tòa án Tối cao, cấp cao nhất trong hệ thống tòa án Mỹ.

Theo Ben Feuer, chủ tịch Nhóm luật Phúc thẩm California ở San Francisco, nếu đưa vụ việc ra Tòa án Tối cao, các luật sư của Trump nhiều khả năng sẽ yêu cầu tòa này ban hành lệnh đình chỉ phán quyết có giá trị trên toàn quốc của thẩm phán Robart để khôi phục sắc lệnh của Trump.

Mo xe phan quyet khien Trump thua kien hinh anh 3
Sơ lược về hệ thống tòa án Mỹ. Vụ kiện sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump là vụ liên quan đến luật liên bang. Đồ họa: Washington state court - Việt hóa: Ngụy An.  





Mercury News cho biết nếu vụ việc được kháng cáo lên Tòa án Tối cao, thẩm phán Anthony Kennedy sẽ là người thụ lý hồ sơ. Ông Kennedy sẽ phải đứng trước hai lựa chọn: Tự mình xét xử vụ kiện hoặc đưa vụ việc ra trước toàn thể 8 thẩm phán của Tòa án Tối cao để nghe tranh luận từ cả hai bên.

Phán quyết của Tòa tối cao có thể bảo lưu, bác bỏ quyết định tạm đình chỉ sắc lệnh của thẩm phán Robart, hoặc đình chỉ một phần chứ không phải toàn bộ quyết định này. Họ cũng có thể trả hồ sơ vụ việc về cho thẩm phán Robart để tiếp tục nghe các bên tranh luận, điều mà thẩm phán này mong muốn khi ra phán quyết.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao hiện chỉ có 8 thẩm phán, do vậy nhiều khả năng lệ biểu quyết sẽ là 4-4. Trong trường hợp này, phán quyết của Tòa phúc thẩm khu vực 9 sẽ được bảo lưu và vụ kiện được gửi về Seattle để xét xử. Trong khi đó, lệnh tạm đình chỉ sắc lệnh hành pháp của Trump vẫn có hiệu lực.

Nguồn tin: Theo Zing.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây