Từ việc khởi tố loạt quan chức sai phạm trong quản lý tài sản công: Bàn về công tác kiểm soát quyền lực

Chủ nhật - 21/10/2018 22:09
Thông tin loạt quan chức ở Đà Nẵng và TP.HCM bị khởi tố hồi trung tuần tháng 9 vừa qua do tiếp tay, giúp sức cho Phan Văn Anh Vũ lộng hành “ đục khoét” công sản, khiến dư luận vừa mừng, vừa buồn. Mừng vì các quan chức thoái hóa biến chất cuối cùng cũng phải xộ khám, bị pháp luật trừng trị. Buồn vì thực tế cho thấy cơ chế kiểm soát quyền lực còn bất cập đã “giúp” các quan tham tự tung tự tác, cố ý làm trái với những sai phạm nghiêm trọng trong thời gian dài mà không bị đưa ra ánh sáng.
Từ việc khởi tố loạt quan chức sai phạm trong quản lý tài sản công: Bàn về công tác kiểm soát quyền lực

                             

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN


Lưới trời lồng lộng

Trung tuần tháng 9 vừa qua, một loạt các tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo “nhúng chàm” bị đề nghị kỷ luật hoặc có hình thức xử lý như cách hết các chức vụ trong Đảng, có trường hợp bị khai trừ như nguyên Chủ tịch TP. Đà Nẵng.

Cùng với đó, một loạt các quan chức tên tuổi ở hai thành phố lớn dính dáng đến Vũ “nhôm” bị khởi tố, khám nhà và bắt giữ hoặc cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra. Nhân vật có chức vụ cao nhất bị khởi tố lần này là nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. HCM. Đây cũng là sự bất ngờ lớn nhất với dư luận, cùng với đó là nguyên Giám đốc Sở TN&MT của TP này và 2 cán bộ khác.

Tại Đà Nẵng, trường hợp ông Đào Tấn Bằng bị khởi tố trong đợt này cũng gây chú ý trong dư luận. Ông nguyên là Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, Bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp đương nhiệm nhưng “tội trạng” của ông lại mắc từ thời ông với cương vị Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị và sau đó là Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng bởi hành vi “tham mưu sai” cho việc cấp đất. Đơn cử như trường hợp chị dâu của ông chỉ được cấp 300 m2 đất xây biệt thự tại bán đảo Sơn Trà, nhưng qua một quá trình “phù phép” sau 5 năm đã mở rộng đến trên 12.000 m2 gấp hơn 40 lần diện tích ban đầu được cấp. Rõ ràng, “bàn tay phù thủy” của ông đã làm nên cả một sản nghiệp. Đó chỉ là một ví dụ bên ngoài chuyện dính dáng đến Vũ “nhôm”.

Như vậy, “dính” đến Vũ “nhôm”, 4 cán bộ tại Đà Nẵng, 4 cán bộ tại TP. HCM đã bị khởi tố, đưa số cán bộ của vụ này lên 19 người ở các địa phương khác nhau và cả trên T.Ư. Điều này chứng tỏ là cái “vòi bạch tuộc” của Phan Văn Anh Vũ rất dài, thao túng nhiều người và bây giờ, chân tướng dần hiện rõ. Cái “vòi bạch tuộc” ấy phải chặt đứt từng đoạn ở các công đoạn khác nhau, từ ngân hàng đến công sở.

Cũng trong tháng 9, xen kẽ giữa hai sự kiện chấn động vừa nêu trên là việc Thanh tra Chính phủ công bố những sai phạm khi cổ phần hóa cảng Quy Nhơn. Dư luận kì vọng những người gây ra sai phạm ở cảng Quy Nhơn hay những người gây ra các sai phạm trong các vụ việc khác cần phải bị trừng trị nghiêm khắc, phải chịu chung số phận như những người đã đồng hành cùng Vũ “nhôm”.

Bốn lĩnh vực cần kiểm soát chặt quyền lực

Thông tin loạt quan chức ở Đà Nẵng và TP.HCM bị khởi tố khiến dư luận vừa mừng, vừa buồn. Mừng vì các quan chức thoái hóa biến chất, vi phạm pháp luật cũng bị “xộ khám”, bị pháp luật trừng trị. Buồn vì thực tế cho thấy cơ chế kiểm soát quyền lực còn dễ dãi, lỏng lẻo, đã “giúp” các quan tham “tự tung tự tác” và lộng quyền, cố ý làm trái thời gian dài mới bị phát hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay có 4 lĩnh vực quản lý dễ xảy ra lạm dụng quyền lực để vi phạm quy định pháp luật hay tham ô, tham nhũng, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ trong thời gian tới. Trước hết, đó là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Thứ hai là liên quan đến quy trình thẩm định, phê duyệt các đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội. Thứ ba là thủ tục hành chính, đây cũng là vấn đề rất bức xúc, dân kêu rất nhiều. Thứ tư là bất công xã hội còn tồn tại nên phải tăng cường thực hiện quyền tư pháp độc lập.

Quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hoá”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.

Đồng thời, phải tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, tăng cường giám sát trong nội bộ tập thể lãnh đạo; công khai quy trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để cán bộ, nhân dân giám sát. Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân.

Quan trọng nhất là phải có thiết chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh, chặt chẽ và siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ. Đầu tiên là phải kiểm soát quyền lực theo ngạch dọc. Đó là cấp trên kiểm soát cấp dưới. Thứ hai là kiểm soát theo chiều ngang, tức là: kiểm tra, giám sát nội bộ; kiểm soát, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức trong mối quan hệ công việc. Thứ ba là kiểm soát từ bên ngoài. Đó là nâng cao vai trò giám sát của báo chí truyền thông, các đoàn thể xã hội và nhất là qua tín nhiệm của người dân. Và cần quan tâm hơn đến vấn đề thiết chế kiểm soát quyền lực để phòng chống vi phạm, tham nhũng, lạm quyền của cán bộ. Có vậy, kết quả công tác phòng chống tham nhũng mới bền vững.

Tăng cường hiệu lực hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội

Đó cũng là giải pháp rất quan trọng giúp kiểm soát quyền lực quan chức. Để hoạt động giám sát của Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (theo quy định tại Điều 69, Hiến pháp năm 2013), có ý kiến cho rằng, trước hết phải đổi mới nhận thức lý luận và thực tiễn về quyền giám sát tối cao và chức năng giám sát của Quốc hội. Quyền giám sát tối cao phải được coi là quyền giám sát của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, chứ không phải là chỉ đối với “tầng cao nhất” trong bộ máy nhà nước.

Hoạt động giám sát của Quốc hội không phải chỉ dừng lại ở các hoạt động xem xét, theo dõi mà còn thể hiện ở việc đánh giá, đưa ra kết luận, kiến nghị và biểu quyết. Hơn thế nữa, đối tượng giám sát của Quốc hội có tính chất đặc biệt và giữ vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Do đó, đòi hỏi đại biểu Quốc hội không chỉ là người có chuyên môn, có hiểu biết sâu về vấn đề giám sát, có kỹ năng phân tích thông tin, đánh giá chính xác về nội dung giám sát mà còn phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức của người đại biểu cao nhất của nhân dân.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và các quy định pháp luật có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Quốc hội thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát. Bên cạnh việc thực hiện có hiệu quả hoạt động chất vấn bằng miệng và bằng văn bản, để hiệu quả hoạt động chất vấn được nâng lên, cần thiết nghiên cứu hình thức liên danh chất vấn giữa một số đại biểu Quốc hội và bổ sung trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội để làm phong phú thêm cách thức chất vấn và làm cho vấn đề chất vấn được tập trung cũng như tạo sức ép đối với đối tượng bị chất vấn.

Cũng có ý kiến cho rằng, tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội cần cân nhắc thành lập thanh tra Quốc hội hoạt động độc lập và chỉ chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Bởi đây là thiết chế quan trọng nhằm không những nâng cao chất lượng hoạt động giám sát mà còn là thiết chế tham gia tích cực trong phòng, chống tệ nạn tham nhũng, đảm bảo quyền con người được thực hiện trong thực tế.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện để các lực lượng, thể chế chính trị cùng nhập cuộc trong hoạt động giám sát, hay nói cách khác là đa dạng hóa các loại hình giám sát, nhằm tăng cường chức năng giám sát của Quốc hội trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên theo hướng phối hợp trực tiếp vào một số hoạt động giám sát của Quốc hội và phản ánh kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri để Quốc hội xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động giám sát phù hợp với thực tiễn đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Học tập Bác về giám sát, kiểm soát quyền lực

Là một người luôn gắn “đức trị với pháp trị”, bên cạnh sự tuyên truyền, giáo dục để cán bộ giữ vững đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh cho rằng việc thực thi quyền lực của cán bộ vẫn phải được giám sát, kiểm soát từ nhiều phía. Với sự tinh tường của một chính trị gia kiệt xuất, Người đã đề ra một số biện pháp sau đây:

Thứ nhất, phải nâng cao dân trí và tạo cơ chế để nhân dân kiểm soát quyền lực. Thực tế cho thấy “Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm, cũng phải hóa ra liêm”. Hồ Chí Minh nhắc nhở nhân dân khéo dùng quyền kiểm soát của mình bằng nhiều cách thức như lựa chọn những người xứng đáng ra gánh việc nước, phê bình, góp ý, tố cáo, khiếu nại cán bộ và bãi miễn đại biểu mà mình đã bầu ra nếu họ tỏ ra không xứng đáng. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò phản biện xã hội của các cơ quan đại diện cho nhân dân hiện là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực.

Thứ hai, phải nâng cao vai trò răn đe của luật pháp. Hồ Chí Minh từng nói: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kể kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Sinh thời, Hồ Chí Minh chưa dùng từ tham nhũng mà Người gọi là “tham ô, nhũng lạm”. Đặt tội tham ô ngang hàng tội phản quốc nên trong Quốc lệnh (do Hồ Chí Minh ký vào ngày 26.1.1946), tội đó phải bị tử hình.

Thứ ba, phải tăng cường công tác kỷ luật Đảng và phát huy vai trò của các cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng như Thanh tra Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ thanh tra phải như cái gương cho người ta soi mặt. Gương mờ thì không soi được”. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra đủ tâm, đủ đức, đủ tài, đủ tầm là yếu tố quyết định sự thành công của công tác quan trọng này. Trong các cơ quan công quyền, việc thường xuyên lấy phiếu tín nhiệm, việc sàng lọc cán bộ theo nguyên tắc “có vào – có ra, có lên – có xuống” sẽ làm cho mỗi cán bộ, công chức không thể “ngủ yên” trên “cái ghế quyền lực” của mình mà phải luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao.

Thứ tư, phải tăng cường vai trò của báo chí trong việc kiểm soát quyền lực. Hồ Chí Minh yêu cầu, trong cuộc chiến chống giặc nội xâm, nhà báo – người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng phải “làm cho mọi người nhận rõ: quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác”.

Kế thừa tinh thần đó, ngày nay, báo chí với sức mạnh của truyền thống phải góp phần phanh phui các vụ việc tiêu cực, tạo áp lực dư luận đối với những kẻ làm điều sai trái và cả các cơ quan điều tra, xét xử để các vụ việc tham nhũng được xử lý nhanh chóng, triệt để. Các nhà báo có trách nhiệm “phò chính, trừ tà” và góp phần làm cho “cái lò” chống tham nhũng rừng rực cháy.

Thứ năm, phải tích cực tinh giản bộ máy hành chính. Theo Hồ Chí Minh, nhà nước là công cụ để phục vụ dân chứ không phải là gánh nặng cho dân. Hơn nữa, số lượng công chức càng đông thì số người có cơ hội lạm quyền càng tăng, số người phải giám sát càng nhiều. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải nhanh chóng xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng công khai, minh bạch để tinh gọn bộ máy hành chính và giảm thiểu sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức.

Kết mở

Với thực tế diễn ra thời gian qua, dư luận cho rằng, quyền lực trao cho các quan chức đầu tỉnh, thành phố và quan chức các Bộ hiện nay lớn, nhưng thiếu cơ chế kiểm soát khả thi. Quyền lực lớn mà thiếu cơ chế đủ sắc bén và người kiểm soát đủ nghiêm, hoặc có khi không bị ai kiểm soát cả hoặc người được trao quyền kiểm soát cũng bị mua chuộc …thì lộng quyền, làm càn, làm trái…rất dễ xảy ra.

Rõ ràng các cơ chế giám sát quyền lực hiện nay của ta hoặc còn yếu hoặc thiếu, hoặc qui định thì có nhưng thực thi thì khó, nên mới tạo điều kiện cho quan tham dễ bề tung hoành. Về mặt pháp luật, có thể nói pháp luật đã và đang làm tròn “vai trò bổn phận” trừng trị nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật của các quan tham. Nhưng qua các vụ án trên khiến chúng ta không thôi trăn trở về công tác kiểm soát quyền lực hiện nay và tới đây thế nào?

Khi đề ra chủ trương “nhốt quyền lực trong cái “lồng” cơ chế”, Đảng hướng tới mục tiêu hoàn thiện thể chế để buộc cán bộ không thể làm trái. Hội nghị T.Ư 4 khóa XII yêu cầu: “Các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”.

Nhiệm vụ thì đã rõ, nhưng đây vẫn là công việc vô cùng khó khăn vì nó sẽ đụng chạm đến những người có chức, có quyền, có tiền, có cả sự “liên minh” lực lượng. Để thành công trong việc kiểm soát quyền lực của các thế lực đó, bên cạnh việc tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách pháp luật, đặc biệt là cơ chế chính sách pháp luật kinh tế, để các “cơ chế” này làm tốt công tác kiểm soát quyền lực. Đồng thời toàn hệ thống chính trị phải chung đúc một ý chí mạnh mẽ, cùng với quyết tâm, mưu lược và sự gương mẫu của người đứng đầu vẫn là nhân tố quyết định. Và cho dù cuộc chiến chống tham nhũng đang ở giai đoạn quyết liệt, nhưng vẫn cần quyết liệt hơn nữa theo nguyên tắc “không có vùng cấm, vùng nể, vùng tránh, vùng hạ cánh an toàn”.

Nguồn tin: phaply.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây