Ths. Luật sư Lưu Bá Khiết (Văn phòng Luật sư Hồng Nguyên & Associates – Đoàn Luật sư TP.HCM): CÓ ĐỦ CĂN CỨ ĐỂ KHỞI TỐ VỤ ÁN ĐIỀU TRA LÀM RÕ HÀNH VI LÀM CHẾT NGƯỜI HÀNG LOẠT ĐỐI VỚI BÁC SĨ TẠI KHOA NỘI TIM MẠCH BVĐK TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thứ bảy - 25/07/2020 04:30
(TVLMP) -  Trước thông tin gây bức xúc dư luận về việc tại khoa Nội tim mạch BVĐK tỉnh Bình Định đã để xảy ra chết người hàng loạt. Vậy có hay không trách nhiệm pháp lý đối với những người trực tiếp can thiệp tim mạch như Báo BVPL đã có loạt bài đề cập ? Xung quanh vấn đề này, Ths. Luật sư Lưu Bá Khiết (Văn phòng Luật sư Hồng Nguyên & Associates – Đoàn Luật sư TP.HCM), người có gần 30 năm hành nghề luật sư đã dành cho người phụ trách trang Tuvanluatmienphi.net.vn một cuộc trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ. Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Ths. Luật sư Lưu Bá Khiết
Ths. Luật sư Lưu Bá Khiết
* Cảm nghĩ của Luật sư xung quanh loạt bài điều tra đăng tải trên Báo Bảo vệ pháp luật (Cơ quan ngôn luận của Viện KSND tối cao) đề cập đến thực trạng điều trị bất thường tại khoa Nội tim mạch - BVĐK tỉnh Bình Định ?

Luật sư: Tôi đã đọc rất kỹ các bài viết đã đăng tải trên Báo BVPL, càng đọc tôi càng thấy bức xúc thực sự trước thái độ điều trị coi mạng người quá nhỏ của một số y bác sĩ tại đây, đứng đầu là Bác sĩ Lê Thành Ấn – Trưởng khoa NTM. Trong vòng chưa đầy một tháng mà xảy ra liên tiếp nhiều ca tử vong về bệnh tim mạch như vậy, tôi nghĩ không có bệnh viện nào ở tuyến tỉnh có tỷ lệ tử vong cao hơn.
     
Nguyên nhân do biến chứng cơ học hay do năng lực chuyên môn, hay hạ tầng y tế chưa đáp ứng dẫn tới tử vong hàng loạt, theo tôi cần phải được làm rõ để có câu trả lời thỏa đáng cho công luận, đặc biệt là trấn an sự hoang mang lo lắng của người bệnh hiện đang điều trị tại đây.

    
Tính mạng con người là vốn quý nhất cần phải được trân trọng cứu chữa, không thể xem thường. Trước mắt theo tôi cần phải có ngay giải pháp “nóng” để giảm thiểu tỷ lệ tử vong như hạn chế can thiệp, ưu tiên cho chuyển viện, chỉ cho phép thực hiện đối với những ca thực sự quá nặng…


Liên quan đến trường hợp tử vong của BN Lê Quang Vinh, công luận và người nhà bệnh nhân cho rằng kết luận của Hội đồng chuyên môn mở rộng (HĐCMMR) chưa thuyết phục, còn nhiều khuất tất. Vì thành phần HĐCMMR là những bác sĩ đang công tác tại BV - nơi có đơn thư tố cáo không tránh khỏi sự bao che, trong khi đó bệnh nhân tử vong sau khi bác sĩ đã cấy vào người 2 stent. Vậy còn quan điểm của Luật sư ?
      
Luật sư:  Điều 74 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định trường hợp có yêu cầu về giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh (tức có đơn thư như trường hợp bệnh nhân Lê Quang Vinh tử vong) thì phải thành lập HĐCM để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.  Theo đó, tại Điều 75 Luật này quy định, thành phần HĐCM bao gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; các chuyên gia thuộc các chuyên khoa khác có liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh; luật gia hoặc luật sư. K
ết luận của HĐCM là cơ sở để giải quyết tranh chấp hoặc để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định giải quyết vụ việc; là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với người hành nghề.

                                    
BV
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Đinh - nơi đã để xảy ra nhiều ca tử vong hàng loạt gây bức xúc dư luận
    
Trong khi đó tôi được biết thành phần của HĐCMMR do Giám đốc BVĐK Bình Định ra quyết định thành lập để xem xét theo đơn tố cáo của ông Lê Thanh Phong là những bác sĩ đang công tác tại BV, không có luật sư hoặc luật gia tham gia là không đảm bảo theo quy định của pháp luật.

      
Về nguyên nhân tử vong, nếu HĐCMMR cho rằng BN bị thủng vách liên thất do biến chứng
cơ học sau nhồi máu cơ tim (được hiểu là vỡ thành tim tự do) thì phải là không có sự tác động bất cứ vật gì vào thành tim, đằng này BN Vinh tử vong sau khi được bác sĩ đặt vào động mạch vành 2 stent. Do đó tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của Báo BVPL, kết luận của HĐCM BVĐK Bình Định cho rằng BN Lê Quang Vinh tử vong do biến chứng cơ học nhồi máu cơ tim là không thuyết phục, theo đó không thể coi đó là cơ sở pháp lý để Bệnh viện phủi bỏ trách nhiệm.

    
Theo quy định Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, trong trường hợp này nếu người nhà bệnh nhân Vinh không nhất trí với kết luận của HĐCMMR, có quyền đề nghị Bộ Y tế thành lập HĐCM. Kết luận của HĐCM do Bộ Y tế thành lập là kết luận cuối cùng về việc có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.


* Trong 06 ca tử vong xảy ra liên tiếp trong khoảng thời gian (28/3 – 25/4/2020), ông Lê Thành Ấn – Trưởng khoa Nội tim mạch thừa nhận duy nhất trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Định bị tử vong có liên quan do thủ thuật. Trả lời của ông Ấn cũng đồng nghĩa với phủi bỏ trách nhiệm tất cả các ca tử vong còn lại. Tuy nhiên theo PV được biết, pháp luật hình sự hiện hành không có kẽ hở đó ?

Luật sư: Bộ luật Hình sự 2015 và BLHS sửa đổi bổ sung năm 2017 có 2 điều luật để điều chỉnh hành vi có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Đó là Điều 129 quy định về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính và Điều 315 quy định về tội Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh... hoặc dịch vụ y tế khác. Điều đó có nghĩa, không phải bất cứ trường hợp nào để xảy ra tử vong bác sĩ đều vô can trách nhiệm.
     
Đối chiếu với quy định của pháp luật và diễn biến của quá trình can thiệp dẫn tới làm 6 người tử vong liên tiếp như Báo BVPL mô tả, theo tôi có căn cứ để cơ quan tố tụng xem xét, cân nhắc trách nhiệm hình sự đối với bác sĩ Ấn và những bác sĩ trực tiếp can thiệp (đặt stent và chụp mạch) với các tội danh nói trên.


* Luật sư có thể phân tích cụ thể hơn ?
    
Luật sư:
Theo quy định tại Quy chế hội chẩn được ban hành theo Quyết định số 1895/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ Y tế, khi hội chẩn bác sĩ trưởng khoa trực tiếp chủ trì hội chẩn. Tuy nhiên trong quá trình can thiệp đặt stent đối với BN Lê Quang Vinh, Bác sĩ Ấn và bác sĩ trực tiếp đặt stent đều hội chẩn qua… điện thoại. Hành vi đó được coi là cẩu thả trong điều trị cứu người, vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh và không loại trừ là một trong những nguyên nhân dẫn tới khiến BN Vinh tử vong.

     
Vì vậy liên quan đến cái chết của BN Vinh, theo tôi có cơ sở để cơ quan tố tụng xem xét tội danh Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh… theo quy định tại Điều 315 BLHS 2015 đối với bác sĩ Ấn và các bác sĩ trực tiếp can thiệp đặt stent và chăm sóc sau khi đặt stent.

      
Các trường hợp tử vong còn lại, trong đó riêng trường hợp BN Nguyễn Văn Định, bác sĩ Ấn thừa nhận nguyên nhân tử vong có liên quan đến thủ thuật, tức là có lỗi của bác sĩ trực tiếp can thiệp. Như vậy là quá rõ để cơ quan tố tụng xem xét tội danh Vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 129 BLHS 2015.

      
Hành vi của bác sĩ can thiệp thỏa mãn được một trong những quy định cấu thành tội phạm do vô ý theo quy định tại Điều 11 BLHS 2015: Trước khi can thiệp, bác sĩ Ấn và những cộng sự mặc dù đã thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nhưng vì quá tự tin về chuyên môn nên cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, hoặc nếu có vẫn có thể ngăn ngừa được; hoặc không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả mặc dù với trình độ được đào tạo bài bản và
sự an toàn của người bệnh, thì bác sĩ Ấn và các bác sĩ can thiệp phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả sẽ xảy ra.

    
Dư luận hẳn cũng đã từng biết đến trường hợp của bác sĩ Hoàng Công Lương (BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vô ý làm chết người. Các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình cho rằng, về ý thức chủ quan bác sĩ Lương không thấy trước hành vi có khả năng gây ra hậu quả nêu trên.
Tuy nhiên với trình độ được đào tạo, kiến thức của bản thân, quy định trong quy chế của bệnh viện, với vai trò là một bác sĩ điều trị, thì bác sĩ Lương phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả.

                                 
A1
Ông Lê Thành Ấn (mặc áo kẻ sọc) và ông Hồ Việt Mỹ - GĐ Bệnh viện (nay đã về hưu) tại buổi làm việc với PV các cơ quan báo chí

Cùng với các yếu tố khách thể, khách quan và chủ quan của tội phạm như tôi đã phân tích ở trên, chủ thể xâm phạm trực tiếp đến quyền sống của con người là những bác sĩ có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự; và thỏa mãn về điều kiện độ tuổi theo quy định trong BLHS. Như vậy từ góc nhìn tội phạm học, hành vi của bác sĩ Ấn và các bác sĩ can thiệp có liên quan đến 6 trường hợp tử vong có đầy đủ dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một tội phạm, hay nói cách khác hội đủ các yếu tố cấu thành một trong hai tội danh nói trên.


* Mặc dù vậy cho đến thời điểm này, theo quan sát của PV, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bình Định vẫn chưa có một động thái gì. Theo đó hàng ngày Bác sĩ Ấn vẫn điều hành khoa NTM, trực tiếp can thiệp đặt stent… và tiếp tục làm chết người ? Luật sư có bình luận gì trước sự im lặng khó hiểu này ?
     
Luật sư:  Điều 143 BLTTHS 2015 quy định chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Điều đó có thể hiểu pháp luật mặc dù rất nghiêm minh nhưng đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm thực thi pháp luật phải hết sức thận trọng và chặt chẽ để không xảy ra oan sai. Theo đó, pháp luật quy định có 6 căn cứ để xác định dấu hiệu tội phạm, trong đó có căn cứ về tin báo tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy trong trong trường hợp này, thông tin đã đăng tải trên Báo BVPL là căn cứ để các cơ quan tố tụng xác định dấu hiệu tội phạm ban đầu.

     
Sau khi tiến hành thu thập thông tin, tài liệu, kiểm tra, xác minh nếu có đủ căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm, thì Cơ quan điều tra mới ban hành quyết định khởi tố vụ án. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 74 và khoản 4 Điều 75 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể dựa vào kết luận của HĐCM để xem xét và quyết định việc khởi tố vụ án. Trường hợp nếu chưa có kết luận thì
cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị Sở Y tế (cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế) thành lập HĐCM để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật.

     
Như vậy khởi tố vụ án là giai đoạn đầu của quy trình tố tụng hình sự. Sau khi khởi tố vụ án, tiến hành điều tra trong thời hạn luật định, nếu có đủ căn cứ để xác định bác sĩ Ấn và các bác sĩ can thiệp tim mạch ở khoa NTM - BVĐK Bình Định phạm tội Vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 129, hay phạm tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh… theo quy định tại Điều 315; thì khi đó Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố bị can để tiếp tục điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự.

     
Việc các cơ quan tố tụng ở tỉnh Bình Định đến thời điểm này vẫn chưa hoặc không khởi tố vụ án để làm rõ có hay không hành vi can thiệp tim mạch dẫn tới tử vong hàng loạt đối với bác sĩ Ấn và các y bác sĩ có liên quan, theo tôi là không phù hợp quy định của pháp luật.


* Xin cảm ơn Luật sư !

                                                                                         Luật gia VŨ LÊ MINH
                                                                                                   (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây