Tình huống pháp lý nhà mua 58 tỉ, bán lại 28 tỉ

Chủ nhật - 28/06/2020 22:38
 (TVLMP) - Theo PLO, chưa rõ TAND Cấp cao tại TP.HCM quyết định thế nào nhưng việc VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm vụ án nhà mua 58 tỉ đồng, bán lại 28 tỉ đồng tại quận Tân Bình (TP.HCM) có thể khiến nhiều người giật mình. 
Ông Nguyễn Văn Quyện, người bán nhà với giá 58 tỉ đồng và là nguyên đơn trong vụ kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng căn nhà này tại phiên tòa phúc thẩm.
Ông Nguyễn Văn Quyện, người bán nhà với giá 58 tỉ đồng và là nguyên đơn trong vụ kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng căn nhà này tại phiên tòa phúc thẩm.

Đây là vụ mua, bán nhà khá lạ không chỉ về giá chuyển nhượng mà còn liên quan đến thời gian giải quyết hồ sơ được coi là “siêu tốc”.

Có hai thông tin pháp lý từ quyết định kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM đáng để những người muốn mua, bán nhà lưu ý.

1. Thời điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Thông thường, nhiều người vẫn gọi, thỏa thuận với nhau là mua, bán nhà hoặc mua, bán nhà, đất. Thế nhưng, theo Luật Đất đai hiện hành thì đất được xác định là gốc, nhà là loại tài sản có trên đất. Từ đó, tên đầy đủ của sổ hồng (cách nói gọn của nhiều người về giấy chủ quyền bất động sản) là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Ứng theo đó, hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có tên là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Hay như trong vụ tranh chấp nhà 58 tỉ đồng nêu trên thì hợp đồng có tên là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có tài sản gắn liền với đất).

Cũng từ đó, khi người chủ đầu với người mua thứ nhất xảy ra tranh chấp, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng các tòa đã sai khi xác định đó là quan hệ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà.

Thay vào đó, phải xác định đúng là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có tài sản gắn liền với đất). Như vậy, khi tài sản chuyển nhượng là đất và nhà, ngoài việc áp dụng Luật Nhà ở 2008 (có hiệu lực lúc các bên giao dịch), các bên còn phải tuân thủ Luật Đất đai về thời điểm chuyển nhượng đất.

Theo khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính. Dễ hiểu hơn, người mua được pháp luật thừa nhận là chủ sử dụng đất vào thời điểm đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và được ghi tên vào sổ địa chính.

Viện dẫn quy định này, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng do chưa đăng ký việc chuyển nhượng đất (có nhà) nên người mua sau cùng (mua lại của người mua thứ nhất) chưa có quyền gì đối với đất (có nhà) nêu trên. Tranh chấp giữa người chủ đầu với người mua thứ nhất vẫn có thể được xem xét, giải quyết chứ không bị cản ngại bởi người mua sau cùng, nhất là lúc đầu người mua thứ nhất có thỏa thuận với người chủ đầu về điều kiện hủy hợp đồng.

                         

2. Giao dịch giả tạo sẽ bị vô hiệu

Quyết định kháng nghị còn đưa ra thông tin về một quan hệ mua, bán đất, nhà không có thật. Đó là theo lời khai của người mua thứ nhất thì ông không bán mà chỉ cầm cố bất động sản. Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án hai cấp đã không cho ông này đối chất với người mua sau cùng để làm rõ có hay không việc mua, bán giả tạo nhằm che giấu việc cầm cố bất động sản.

Chưa kể, có sự bất thường khi người mua thứ nhất mới mua giá 58 tỉ đồng nhưng chỉ 14 ngày sau đã bán lại chỉ với giá 28 tỉ đồng. Sau khi ký kết hợp đồng và đưa tiền, người mua sau cùng không đi đăng ký và các bên cũng không giao nhận bất động sản. Diện tích đất, nhà đó vẫn do người chủ đầu quản lý, sử dụng.

Điều 129 Bộ luật Dân sự 2005 (có hiệu lực lúc các bên mua, bán) quy định:

Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực (trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định).

Vì lẽ này, quyết định kháng nghị cho là hai cấp tòa đã thu thập chứng cứ và chứng minh chưa đầy đủ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

Cùng chờ xem hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm có bị TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy để vụ án được xét xử sơ thẩm lại theo quyết định kháng nghị. Căn nhà 58 tỉ đồng có chính thức quay về với người chủ đầu hay không thì chưa thể nói trước nhưng chắc rằng nhiều người đã rút ra được từ đây nhiều bài học giao dịch nhà, đất hữu ích để đỡ rủi ro, thiệt hại.


Theo: https://plo.vn/phap-luat/luat-va-doi/bat-ngo-phap-ly-nha-mua-58-ti-ban-lai-28-ti-921106.html

Chỉ mới nhận 1/5 số tiền, bên bán đã giao giấy chủ quyền cho bên mua đi sang tên

Vụ án liên quan đến căn nhà 335 Bis Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TP.HCM có nhiều điều lạ về giá chuyển nhượng và thời gian giải quyết hồ sơ.

Đầu tháng 10-2014, chủ sở hữu đồng ý bán nhà với giá 58 tỉ đồng. Theo thỏa thuận, người mua trả trước 11 tỉ đồng và sẽ trả hết tiền vào giữa tháng sau. Nếu không thực hiện đúng thỏa thuận thì hợp đồng mua bán không thành, người mua phải chuyển lại giấy tờ nhà cho người bán.

Sau khi giao nhận 11 tỉ đồng, hai bên đi công chứng hợp đồng mua bán. Rất nhanh là chỉ trong vài giờ sau đó, người mua đã đóng được các khoản nghĩa vụ tài chính và sang tên thành công. Cũng rất nhanh, người chủ mới bán lại nhà cho người khác chỉ với giá 28 tỉ đồng…

Khi phát hiện sự việc, người chủ đầu yêu cầu ngăn chặn việc đăng bộ tiếp theo, đồng thời khởi kiện.

Cùng xử bác yêu cầu của nguyên đơn (đòi hủy hợp đồng bán nhà với người chưa trả hết tiền), án sơ thẩm cho rằng các bên không thỏa thuận về điều kiện hủy bỏ hợp đồng. Án phúc thẩm thì cho là tại thời điểm hai bên thống nhất hủy hợp đồng thì tài sản đã thuộc về người mua sau cùng. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây