Thêm quyền cho Thủ tướng, bộ trưởng

Thứ sáu - 22/11/2019 20:03
Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định chi tiết số lượng phó chủ tịch HĐND và phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh.
Thêm quyền cho Thủ tướng, bộ trưởng
Thêm quyền cho Thủ tướng, bộ trưởng

Chiều 22-11, với 431/448 đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành (chiếm 89,23%), Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các sửa đổi, bổ sung này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2020.

Thêm quyền cho Thủ tướng, bộ trưởng

Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ (luật mới) bổ sung một số thẩm quyền mới cho Chính phủ, Thủ tướng và các bộ trưởng.

Về thẩm quyền của Thủ tướng (Điều 28), Quốc hội bổ sung thêm một số quyền hạn như Thủ tướng chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thay cho quy định Thủ tướng “chỉ đạo và thống nhất quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương”.

Luật mới cũng quy định Thủ tướng có quyền quyết định phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Thủ tướng quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.

Về thẩm quyền của bộ trưởng, luật mới quy định bộ trưởng thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc.


X

Bộ trưởng quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đình chỉ công tác, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc.

Thêm quyền cho Thủ tướng, bộ trưởng - ảnh 1
Chiều 22-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: TP

Phân cấp, phân quyền phải kèm nguồn lực

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (mới) gồm 28 điểm. Trong đó có ba nhóm nội dung đáng lưu ý là phân quyền, phân cấp, ủy quyền; số lượng cấp phó của HĐND, UBND; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương.

Về phân cấp phân quyền (Điều 11), luật mới quy định việc phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác gắn với cơ chế kiểm tra, thanh tra. Chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.

Đặc biệt, luật mới cũng chỉ rõ khi cấp trên phân cấp, phân quyền cho cấp dưới phải hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp.

Về số lượng phó chủ tịch HĐND và phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, luật mới quy định: Nếu chủ tịch HĐND/trưởng ban HĐND là đại biểu chuyên trách thì bố trí một phó chủ tịch HĐND/phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách. Trường hợp chủ tịch HĐND/trưởng ban HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí hai phó chủ tịch HĐND/hai phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách.

Hai luật trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Đồng thời, hai luật còn có điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu HĐND các cấp, cơ cấu thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng cấp phó tại HĐND và UBND để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.

Việt kiều nợ thuế sẽ bị cấm xuất cảnh

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (gồm tám chương, 54 điều), trong đó luật quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh gồm:

1. Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

3. Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

4. Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

5. Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

6. Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

7. Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

8. Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh.

9. Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. 

 


 

Tác giả bài viết: TRỌNG PHÚ - CHÂN LUẬN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây