Thách thức trong quản lý thương mại điện tử: Cần hoàn thiện luật để giảm thiểu thiệt hại cho các chủ thể tham gia.

Thứ hai - 29/06/2020 23:44
(TVLMP) - Thương mại điện tử (TMĐT) mang lại nhiều lợi ích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và người tiêu dùng , nhưng đồng thời cũng đang đặt ra những thách thức cho các cơ quan quản lý như công tác thực thi ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng…Đặc biệt là việc xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh đặc biệt này
Quản lý kiểm soát ứng dụng TMĐT đang vượt quá tầm của các cơ quan chức năng ?!
Quản lý kiểm soát ứng dụng TMĐT đang vượt quá tầm của các cơ quan chức năng ?!
 

Nguy cơ gây bất ổn nếu không được kiểm soát bằng khung pháp lý đầy đủ
​​​​​​​

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong môi trường TMĐT và kinh tế số được tổ chức mới đây (20/6), Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhấn mạnh, TMĐT ở Việt Nam đang phát triển theo xu hướng tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực, nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế.

Theo ông Linh, vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… được công khai mua bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay trên các website thương mại điện tử, các sàn giao dịch TMĐT. Đây cũng là các kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT…

Trước đó ngày 22/5, Tổ công tác về Thương mại điện tử (Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường) đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đồng loạt ra quân kiểm tra 6 địa điểm kinh doanh tại Q1 và Q10 đã phát hiện 21.000 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu bảo hộ lớn ở Việt Nam và nhiều hàng thực phẩm chức năng nhãn hiệu nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ các cơ sở kinh doanh này thừa nhận dùng những hình thức phổ biến như livestream trên facebook để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng…

Cách đây 2 tháng (23/4), Công an huyện Đông Hòa (Phú Yên) phát đi thông báo đến công an các xã, thị trấn của huyện này cảnh báo người dân cảnh giác, phòng ngừa thủ đoạn lừa đảo mới trên mạng xã hội. Nạn nhân là chị T.T.T.T kinh doanh quần áo trên Facebook (trú ở xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, Phú Yên) bị chiếm đoạt số tiền 35,5 triệu đồng; và chị N.T.H.L kinh doanh nước rửa tay trên Facebook (trú tại khu phố Phú Hòa, TT.Hòa Hiệp Trung, H.Đông Hòa, Phú Yên) bị chiếm đoạt 77,8 triệu đồng. Thủ đoạn của chúng là yêu cầu các nạn nhân cung cấp số tài khoản để chuyển thanh toán tiền mua hàng, sau đó dẫn dụ bị hại truy cập một đường link với tên miền lạ và điền thông tin vào chỗ trống. Theo đó thực hiện hành vi chuyển tiền từ tài khoản của bị hại đến tài khoản của các đối tượng để chiếm đoạt.

Trong bối cảnh số lượt truy cập vào các trang TMĐT thông qua điện thoại thông minh của người dùng đang chiếm tới 72%, với tỷ lệ mua hàng trên thiết bị này lên tới hơn 50% thì việc bán hàng thông qua các nền tảng di động là điều tất yếu. Tuy nhiên theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, có tới 80% số người sử dụng điện thoại di động dễ dàng cung cấp thông tin về số điện thoại của mình ở siêu thị, các cửa hàng và đặc biệt là trên các nền tảng bán hàng trực tuyến. Trong số đó, nhiều người không để ý rằng những thông tin mà họ cung cấp có thể trở thành phương tiện để kẻ lừa đảo lợi dụng, trục lợi.

Cũng theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam có đến 48,1% số người từng mua sắm qua mạng xã hội nói rằng mình từng bị lừa, chủ yếu là chất lượng hàng hóa không như cam kết nhưng không cho phép đổi trả hoặc được đổi trả nhưng phải đền bù một mức phí cho người bán. Khảo sát về tình trạng lừa đảo TMĐT tại Việt Nam cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tranh chấp là người bán không chuyển hàng hoặc hàng giao không đúng như mô tả…
 

Trách nhiệm của người bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử

Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

( Trích Điều 37, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử)


Quản lý kiểm soát ứng dụng TMĐT: Quá tầm của các cơ quan chức năng ?!

Có thể nói đã có nhiều văn bản luật liên quan điều chỉnh hoạt động giao dịch TMĐT đến thời điểm này ở Việt Nam, trong đó nòng cốt là Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật Thương mại, Bộ Luật Dân sự, Luật Hình sự… Tuy nhiên trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày sâu rộng, các luật điều chỉnh ngày càng tỏ ra bất cập. Trong đó vấn đề kiểm soát các ứng dụng TMĐT đã trở nên quá tầm.

Luật Giao dịch điện tử và các văn bản dưới luật (như Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử; và Thông tư số 21/2018/TT-BCT sửa đổi một số điều của Thông tư số 47) quy định: các công ty có trang web bán hàng, các trang mạng xã hội phải đăng ký trên sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội phải có trách nhiệm quản lý thông tin, hoạt động của người đăng ký trên trang mạng xã hội của mình. Mọi hoạt động kinh doanh TMĐT phải đăng ký với Cục Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương. Người bán hàng trên mạng phải tuân thủ đầy đủ những quy định tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử…

Thế nhưng , theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử, số lượng các webisite kê khai đăng ký không đáng kể. Không ít doanh nghiệp, cá nhân có cả website điện tử bán hàng nhưng không thông báo cho Cục Thương mại điện tử và không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ…

Theo Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2016) thì tổ chức, cá nhân phát sinh nghĩa vụ thuế khi có hoạt động thương mại hoặc làm công, mua bán tài sản, không phân biệt giao dịch thương mại được thực hiện theo phương thức truyền thống hay theo phương thức điện tử. Thế nhưng, hầu hết những cá nhân kinh doanh trên các trang TMĐT hiện nay không kê khai. Thậm chí nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên mạng không có địa điểm kinh doanh, không tài khoản ngân hàng rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp “né” trách nhiệm đăng ký mà vẫn không bị xử lý. Đó cũng là lý do ngành thuế thất thu thời gian qua vì không có nguồn dữ liệu doanh nghiệp điện tử để tính thuế.

Nguyên nhân là do Luật giao dịch điện tử và các văn bản dưới luật quy định về quản lý website không có quy định về chế tài bắt buộc các công ty có trang web bán hàng, các trang mạng xã hội phải đăng ký trên sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội nếu không đăng ký với Cục Thương mại điện tử. Trong khi đó trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 37 Nghị định 52 và Điều 32 Thông tư 47) quy định còn rất chung chung, không có phân cấp rõ ràng.                                        

tọa

Tọa đàm “Quản lý hải quan đối với hoạt động TMĐT”, do Báo Hải quan, Tổng cục Hải quan phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (VP 389) tổ chức, ngày 19/9/2019.

Webiste quản lý nửa vời, trong khi đó giao dịch điện tử giữa người bán hàng online với người mua hàng được thiết lập qua Hợp đồng điện tử còn nhiều bất cập. Theo Điều 33, 34 Luật Giao dịch điện tử, Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu (như trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác – Điều 10). Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định (theo quy định tại khoản 2 Điều 14) căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Chứng cứ điện tử được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử trong máy tính hoặc trong các thiết bị có bộ nhớ kỹ thuật số có liên quan đến vụ việc tranh chấp. Những chứng cứ điện tử có thể thu thập được để phục vụ việc chứng minh, bao gồm: Những chứng cứ điện tử do máy tính tự động tạo ra như: “cookies”, “URL”, E-mail logs, web server logs…; những thông tin điện tử do con người tạo ra được lưu giữ trong máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác, như các văn bản, bảng biểu, các hình ảnh, thông tin… được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử.

Để thu thập được những dấu vết điện tử trên, cần sử dụng kỹ thuật, công nghệ máy tính và phần mềm phù hợp để có thể phục hồi lại những “dấu vết điện tử” đã bị xóa, bị ghi đè, những dữ liệu tồn tại dưới dạng ẩn, đã mã hóa, những phần mềm, mã nguồn được cài đặt dưới dạng ẩn, để làm cho có thể đọc được, ghi lại dưới hình thức có thể đọc được và có thể sử dụng làm bằng chứng pháp lý trước cơ quan có chức năng. Tuy nhiên cách thức thu thập chứng cứ điện tử này như thế nào? Quy trình ra sao? Quyền của chủ thể liên quan khi tiến hành thu thập… hiện chưa có quy định cụ thể, trừ phi đó là vụ án được cơ quan điều tra vào cuộc theo quy trình tố tụng. Theo đó khi cần giải quyết những vấn đề liên quan đến khiếu nại hàng hóa, người mua hàng cũng không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trong khi đó với sự ra đời của Luật An ninh mạng, vấn đề bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư dữ liệu của người sử dụng được cho là hàng lang pháp lý cao nhất đến thời điểm này. Thế nhưng theo phân tích của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS (Hội Truyền thông số Việt Nam), vấn đề dữ liệu, quyền riêng tư của dữ liệu là một vấn đề tương đối mới không chỉ với Việt Nam mà đối với cả thế giới nên Luật An ninh mạng chưa thể bao phủ, và chưa đủ chế tài để xử lý các vi phạm trên mạng.

Ông Nguyễn Công Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) thừa nhận trong khi TMĐT phát triển nhanh thì hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp. Các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này đã ban hành từ 5 – 15 năm trước nên đã không còn phù hợp và lạc hậu, đặc biệt là các quy định liên quan tới TMĐT xuyên biên giới.

Để quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng được bảo vệ

Thực trạng trên rất cần có hành lang pháp lý quản lý các mạng xã hội kinh doanh TMĐT cũng như nền tảng di động. Hay nói cách khác, rất cần có quy định để buộc các tổ chức, cá nhân khi thiết lập website bán hàng phải đăng ký với Cục Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương; cách thức thu thập chứng cứ điện tử, quy trình, quyền của chủ thể liên quan khi tiến hành thu thập cứng cứ để cho Tòa án và các bên đương sự không gặp khó khăn khi giải quyết tranh chấp; có hướng dẫn chi tiết về quy trình giao kết hợp đồng mua hàng trực tuyến cũng như những cảnh báo cần thiết đối với người tham gia loại hình dịch vụ này.

Nghị định 52/2013/NĐ- CP về TMĐT đã dành 8 Điều để quy định về quy trình giao kết hợp đồng giữa người bán hàng trực tuyến với người mua. Trong đó tại Điều 23 quy định: “Bộ Công thương có trách nhiệm quy định cụ thể về quy trình giao kết hợp đồng trực tuyến trên website TMĐT do thương nhân, tổ chức, cá nhân lập ra để mua hàng hóa, dịch vụ”, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết này…

Vì vậy trong lúc chờ đợi sự hoàn thiện của pháp luật, các DN làm ăn chân chính phải tự bảo vệ mình bằng chính các trang website uy tín, đảm bảo về chất lượng hàng hóa và giá cả hợp lý. Một website TMĐT uy tín phải hiện thị đầy đủ các thông tin về người bán, thông tin sản phẩm, quy trình mua hàng rõ ràng, quy trình thanh toán và vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, phải có chính sách bảo mật thông tin và giải quyết khiếu nại phát sinh hợp lý.

Về phía người tiêu dùng hãy luôn chứng tỏ là người tiêu dùng thông thái, nói không với các website, các ứng dụng TMĐT không có thương hiệu. Cần chủ động theo dõi tình trạng đơn hàng đã đặt được cập nhật theo thời gian thực. Khi nhận hàng, cần có bước kiểm tra, đối chiếu thông tin giữa đơn hàng nhận được và đơn hàng đặt mua trên sàn sàn TMĐT. Người dùng có thể từ chối nhận hàng nếu thông tin đơn hàng nhận được không khớp với đơn hàng đã đặt mua…

Trong môi trường mạng, công dân số phải là những người có ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân, coi đó là tài sản số, không dễ dàng cung cấp lên mạng, website mua hàng trực tuyến, các đơn vị thu thập dữ liệu bằng cách khuyến mại sản phẩm…

Kinh nghiệm của một số nước

Liên quan đến TMĐT, các nhà lập pháp thế giới khi xây dựng luật đều chú trọng vào những nội dung chính như các giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, bảo vệ người tiêu dùng, tội phạm máy tính, quyền sở hữu trí tuệ, khả năng cạnh tranh, thuế và an ninh thông tin.

Ở Australia, Luật Giao dịch điện tử có từ rất sớm (năm 1999) quy định các nghĩa vụ pháp lý với việc phát hành đối với phương tiện điện tử. Ngay từ năm 2000, Nhật Bản đã ban hành hàng loạt luật liên quan đến công nghệ thông tin công nhận tính hiệu lực của việc chuyển các văn bản bằng phương tiện điện tử. Luật về chữ ký điện tử và tổ chức chứng thực điện tử của đất nước mặt trời mọc đã có hiệu lực ngày 25.5.2000.

Tương tự, trong khoảng thời gian này, chữ ký điện tử được đưa vào luật rất nhiều nước như Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Singapore, Ấn Độ… Còn tại Trung Quốc, Luật Hợp đồng thừa nhận tính hiệu lực của các hợp đồng điện tử. Đầu năm 2019, Luật TMĐT đầu tiên của đất nước Vạn Lý Trường Thành đã chính thức đi vào cuộc sống.

Trong khi đó tại New Zealand, Luật Giao dịch điện tử năm 1998 xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào một giao dịch điện tử. Luật cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp điện tử qua internet. Tại Châu Âu và EC đã ban hành hướng dẫn để giúp các cơ quan giám sát thị trường của các quốc gia thành viên có thể kiểm soát tốt hơn những sản phẩm được bán trực tuyến.

Hướng dẫn của EC nêu rõ, bất kỳ sản phẩm nào được bán trực tuyến tại thị trường EU đều phải tuân thủ các quy định pháp luật của khối, ngay cả khi nhà sản xuất có trụ sở bên ngoài EU. Ngoài ra, luật về thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại các nước EU yêu cầu các cơ quan thuế quốc gia tập trung xác định đối tượng chịu thuế, giá trị giao dịch để xác định giá trị số thuế phải đóng cho ngân sách nhà nước…

Theo: https://phaply.net.vn/thach-thuc-trong-quan-ly-thuong-mai-dien-tu-can-hoan-thien-luat-de-giam-thieu-thiet-hai-cho-cac-chu-the-tham-gia/

Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng internet, hạ tầng thanh toán điện tử cũng như các hạ tầng logistics, năm 2019, doanh thu TMĐT trên thế giới đã vượt hơn 2.000 tỷ USD. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam hiện nay đang được đánh giá là một trong những thị trường mà TMĐT phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 25%.

Theo đánh giá của Euromonitor International, thương mại điện tử dự kiến sẽ trở thành kênh bán lẻ lớn nhất thế giới vào năm 2021, vượt xa doanh số bán hàng thông qua hệ thống bán lẻ như siêu thị, quầy tạp hóa, cửa hàng quần áo và giày dép… Ước tính, lĩnh vực trên sẽ chiếm 14% tổng doanh số bán lẻ.

Tác giả bài viết: Luật gia, nhà báo Minh Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây