Để không còn những điểm nghẽn… “xa” dân trong văn bản luật ?

Thứ ba - 17/11/2020 21:58
(TVLMP) - Suốt tuần qua dư luận “dậy sóng” trước thông tin Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện “phát” đi từ nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: 4000 tỉ trong kết dư hơn 8.000 tỉ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được chi trả trực tiếp cho người lao động, trong bối cảnh đại dịch làm ảnh hưởng tới cuộc sống của 31,8 triệu người. Một lần nữa câu chuyện làm chính sách xa rời thực tiễn tiếp tục được đặt ra, cần được mổ xẻ làm rõ, để có giải pháp khắc phục.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(* Bài viết của Luật gia Vũ Lê Minh)


“Giọt nước tràn ly”…

Khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013 giải thích: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”. Tại Điều 42, Luật này còn quy định rất cụ thể 04 chế độ quyền lợi cho người lo động khi tham gia BHTN, đó là: “Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm”.

Ngoài sự hỗ trợ ổn định của Nhà nước 1% quỹ tiền lương tháng, Quỹ BHTN được hình thành và phát triển từ 2 nguồn cố định, đó là 1/% tiền lương của người lao động phải đóng hàng tháng; và 1% quỹ tiền lương tháng của người sử dụng lao động… Được hiểu là, Quỹ BHTN được hình thành trong đó có 1/3 đóng góp từ phía người lao động. Hay nói cách khác, người lao động đã phải “thắt lưng buộc bụng” từ đồng lương tháng ít ỏi của mình để sẻ chia cùng Nhà nước và doanh nghiệp trong việc “lo xa”, “phòng cơ bất trắc”…

Đại dịch Covid -19 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, khiến cho hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản, hàng trăm ngàn người lao động mất việc làm, kéo theo làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 32 triệu người. Hơn lúc nào hết, người lao động đang rất cần được hưởng quyền lợi từ Quỹ BHTN, nói nôm na họ đang cần được nhận lại một phần tiền lương mà họ đã chắt chiu “bỏ ống”, để cầm cự trước khó khăn.
                          
Quỹ TN
Người lao động chỉ mới nhận được số tiền chi trả thất nghiệp 4.000 tỉ, trong khi kết dư Quỹ BHTN hơn 80.000 tỉ.

Thế nhưng trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, đến thời điểm này người lao động chỉ mới nhận được số tiền của BHXH chi trả về khoản thất nghiệp 4.000 tỉ, trong khi tổng số tiền kết dư của Quỹ BHTN năm 2019 đã có hơn 80.000 tỉ. Quả thật phát biểu của người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao & Du lịch nước nhà, giữa nghị trường, khiến cho mỗi chúng ta vừa chạnh lòng, vừa bức xúc.

Trước đó trả lời với báo chí, ông Phạm Ngọc Khánh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh, cho biết với mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 01 triệu đồng/người/tháng (theo Điều 3 Quyết định 77/2014/QĐ-TTg) là làm khó cho người lao động. Bỡi với mức hỗ trợ “khiêm tốn” đó, người lao động chỉ tham gia học được ở các lớp sơ cấp hoặc đào tạo cấp tốc ngắn ngày…
 

Điều 3. Quyết định 77/2014/QĐ-TTg: Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tối đa 01 (một) triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề


Trong khi đó, cũng theo Luật Việc làm, ngoài việc chi trả trực tiếp cho người lao động, Quỹ BHTN còn dành 1 phần kinh phí (để hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất, kinh doanh...) để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Thế nhưng cho đến thời điểm này chưa có một doanh nghiệp nào thuộc đối tượng điều chỉnh tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này (?)     
                  
DN vay
    Cho đến thời điểm này chưa có một doanh nghiệp nào thuộc đối tượng điều chỉnh tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ BHTN


Phát biểu của ông Phạm Ngọc Khánh đã để lộ 2 “điểm nghẽn” pháp lý. Hay nói cách khác, đã lý giải được một phần nguyên nhân Quỹ BHTN chi trả “nhỏ giọt” tới người lao động. Song đã là luật, là văn bản pháp quy thì dù cho có bất cập hay bị “nghẽn” đến cỡ nào thì những người có trách nhiệm trong quản lý và sử dụng Quỹ vẫn “vô can”.

Vậy số tiền kết dư “khủng” đó đang nằm ở đâu và sử dụng vào việc gì ? Gửi Ngân hàng để sinh lãi. Khả năng này rất cao và an toàn nhất. Điều 57 và 59 Luật Việc làm 2013, cho phép Cơ quan BHXH Việt Nam được sử dụng số tiền kết dư từ Quỹ BHTN để đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hoặc “cho ngân sách nhà nước, Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ vay”… để Quỹ được “bảo tồn và tăng trưởng”. 
 

Khoản 3 Điều 57 Luật Việc làm 2013: “Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được sử dụng như sau: a) Chi trả trợ cấp thất nghiệp; b) Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; c) Hỗ trợ học nghề; d) Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; đ) Đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; e) Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội; g) Đầu tư để bảo tồn và tăng trưởng Quỹ”


Đối chiếu với quy định trên của pháp luật, rõ ràng BHXH Việt Nam được toàn quyền điều tiết Quỹ BHTN miễn sao việc điều tiết đó không nằm ngoài các nội dung chi được quy định tại Điều 57. Theo đó, BHXH Việt Nam cũng có quyền chi trả “nhỏ giọt” Quỹ BHTN cho người lao động bị thất nghiệp hoặc hỗ trợ có hạn cho doanh nghiệp (vì luật không có quy định chi tiết về tỷ lệ chi trả hoặc hỗ trợ); và ngược lại cũng có quyền sử dụng phần lớn số tiền kết dư của Quỹ để đầu tư hoặc gửi vào các tổ chức tín dụng để sinh lãi. Vì đó là luật định.

Toàn bộ số tiền lãi thu được từ các tổ chức tín dụng, chắc chắn sẽ được BHXH Việt Nam bổ sung đầy đủ vào Quỹ BHTN một cách công khai và minh bạch. Tuy nhiên phía sau của việc cho vay đó, dư luận và bản thân người lao động có quyền hoài nghi có hay không câu chuyện “đi đêm” giữa các bên, hay nói cách khác có hay không lợi ích nhóm chi phối ?
 

Còn nhớ đại án Oceanbank xảy ra hồi tháng 3/2017, các bị cáo đã thừa nhận đã chi lãi ngoài (chi ngoài hợp đồng) với số tiền hơn 1.500 tỷ đồng để “chăm sóc khách hàng” là các sếp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên. Cơ quan Viện KSND giữa quyền công tố đã cáo buộc đây là số tiền thiệt hại đối với NH này, các bị cáo phải chịu trách nhiệm. Trả lời câu hỏi của HĐXX và luật sư, khi đó bị cáo Nguyễn Minh Thu – nguyên Tổng giám đốc Oceanbank đã lý giải nỗi khó của NH: “… nếu không có tiền thì họ sẽ đem gửi ngân hàng khác. Bởi vậy, cần có một khoản tiền chăm sóc khách hàng”.


Đến thời điểm này có thể nói, chúng ta đã quá quen với những cụm từ như “luật quy định trên trời”, “vừa ban hành đã chết yểu”… mà báo chí “gắn” cho những văn bản luật không có chất lượng, “xa” rời dân, “xa” rời thực tế. Dư luận sẽ mãi còn “hoài niệm” những quy định, kiểu như: Viếng đám ma không quá 7 vòng hoa; không được để ô kính trên nắp quan tài; bán bia phải có nhiệt độ dưới 30oC; UBND các cấp có nhiệm vụ bắt giữ chó mèo chạy rông; bán hàng rong phải có đủ sức khỏe; chỉ được bày bán thịt trong vòng 8 giờ; tất cả ôtô phải trang bị bình cứu hỏa; người hành nghề xe ôm phải đeo biển hiệu và có trang phục do cấp tỉnh quy định…
                     
Văn bản chết yểu
              Ảnh minh họa

Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, sự phản ứng của dư luận xã hội, chắc chắn những văn bản pháp luật hết sức “trời ơi” khác cũng đã được ban hành, như quy định xe biển số lẻ đi ngày lẻ, xe biển số chẵn đi ngày chẵn; những người ngực lép không được điều khiển phương tiện xe máy; quy định về việc cấm bán rượu, bia sau 22 giờ…
 

Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã từng chia sẻ với báo chí rất thẳng thắn: Với hai nhiệm kỳ làm Đại biểu Quốc hội (khóa 12,13), ông đã chứng kiến nhiều loại văn bản ban hành không phù hợp với thực tế và nhanh chóng “chết yểu”.


Vì vậy có thể nói những “điểm nghẽn”, “khoảng trống” pháp lý của Luật Việc làm 2013, hay Quyết định 77/2014/QĐ-TTg nói trên chỉ là “giọt nước tràn ly”.


Để không còn những văn bản luật “xa” dân ?

Chắc chắn khi bấm nút thông qua các văn bản luật nói trên những đại biểu Quốc hội đã không lường trước những “điểm nghẽn”, “khoảng trống” phát sinh; không lường trước được “mặt trái” của các điều luật kém chất lượng lại biến hóa “muôn hình vạn trạng”.

Vấn đề đặt ra, chúng ta đã có hành lang pháp lý về quy trình xây dựng luật và văn bản quy phạm rất quy củ, bài bản (không những được ra đời rất sớm mà còn được điều chỉnh sửa đổi, bổ sung qua các giai đoạn: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996; sửa đổi bổ sung năm 2002, 2015, và 2020), có nghĩa quy trình làm luật không phải theo kiểu “mò mẫm trong đêm”… nhưng vì sao “thực trạng” vẫn cứ tái diễn ?

Từ thực tế cho thấy, nguyên nhân khiến cho luật “xa” rời thực tiễn, chỉ khi quy trình làm luật thiếu vắng “hơi thở” từ cuộc sống, bỏ qua vai trò tham gia của tổ chức Mặt trận, nhất là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Thế nhưng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật qua các thời kỳ đã quy định rất chặt chẽ, coi đó là điều kiện bắt buộc.
 

Khoản 3 Điều 1 Luật Ban hành VBQPPL 2020:  “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật”


Luật BHVB 2008 (Điều 4), Luật BHVB 2015 (Điều 6) và Luật BHVB 2020 (Điều 1) đều nhất quán quy định, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tạo điều kiện để tổ chức Mặt trận và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận tham gia góp ý kiến xây dựng; lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản… Ý kiến tham gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo… Ngoài ra, trong hồ sơ trình dự thảo văn bản pháp luật bắt buộc phải có báo cáo đánh giá tác động tích cực, tiêu cực của chính sách mới dự kiến ban hành hoặc sửa đổi.

Câu trả lời chỉ có thể, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật không làm hết trách nhiệm (chính xác là làm theo kiểu đối phó) trong việc tổ chức lấy ý kiến, không tạo điều kiện để các đối tượng trong diện luật định được tham gia đầy đủ; hoặc các ý kiến của các đối tượng trong diện không được cơ quan có trách nhiệm, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ trong quá trình chỉnh lý dự thảo; hoặc cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chủ trì soạn thảo văn bản đã giao việc cho người không có năng lực cả về chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tế…
 

Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Tôi thấy cái yếu nhất của chúng ta khi xây dựng luật, nhất là những văn bản hướng dẫn dưới luật là giao cho những cán bộ, công chức yếu cả trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, không có thực tiễn trong ngành hoặc thực tiễn quá ít, dẫn đến tầm nhìn hạn chế”


Giao việc nhưng luật lại không có chế tài trách nhiệm đối với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản hoặc người được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Ngay cả cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù Luật BHVBQPPL quy định (đến Luật BHVB 2015 mới có quy định điều chỉnh tại Điều 162), nếu trong quá trình giám sát phát hiện nội dung văn bản quy phạm pháp luật có “vấn đề” cần phải đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản; thì cơ quan có thẩm quyền giám sát “có quyền xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản trái pháp luật”. Song trên thực tế, chưa có một tổ chức hay cá nhân nào bị xử lý vì lý do này.

Như vậy, để cải thiện “thực trạng”, chúng tôi cho rằng cần phải “bịt” lỗ hổng quy trình xây dựng văn bản luật ngay từ bước đầu. Hay nói cách khác, Luật Ban hành VBQPPL phải có quy định về chế tài nghiêm khắc, để buộc các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trực tiếp và chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải tận tâm, tận lực làm hết trách nhiệm, không làm qua loa, đối phó. Bỡi đây chính là các chủ thể giữ vai trò quan trọng, để cấu thành nên một văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng ngay từ công đoạn khởi động quy trình.

Rõ ràng, nếu cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản làm hết trách nhiệm, coi trọng vai trò phản biện xã hội của tổ chức Mặt trận; dành nhiều thời gian để đi điều tra, khảo sát thực tế; tạo điều kiện tốt nhất để cho đối tượng bị điều chỉnh trực tiếp được tham gia góp ý; thật sự cầu thị và biết lắng nghe; nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện của các chuyên gia, doanh nghiệp… thì chắc chắn sẽ hạn chế và từng bước tiến tới triệt tiêu thực trạng văn bản luật “chết yểu”, quy định “trên trời”, “xa” dân, “xa” thực tế…

Chất lượng văn bản pháp luật thấp không chỉ ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Quốc hội mất thời gian, công sức và cả tiền bạc để sửa đổi, bổ sung; mà còn làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào hệ thống luật pháp Việt Nam. Vì vậy không cho phép sự dễ dãi khi thông qua một dự án luật hoặc ký ban hành một văn bản dưới luật.
 

Tác giả bài viết: VŨ LÊ MINH                                                     

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây