Bỏ ghi xếp loại thứ hạng trên bằng đại học nên hay không?

Thứ hai - 07/10/2019 03:19
Việc đào tạo phi chính quy còn tồn tại nhiều hạn chế nên việc không ghi xếp loại trên văn bằng đại học tôi nghĩ chưa phù hợp', PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho hay.
Bỏ ghi xếp loại thứ hạng trên bằng đại học nên hay không?

Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (ĐH), bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự. Nội dung được ghi trên văn bằng có một số thay đổi so với quy định hiện hành.

Theo đó, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH không còn các thông tin xếp loại học lực của người học như: Xuất sắc, Giỏi, Khá, Trung bình khá hoặc Trung bình theo Quy chế đào tạo; không còn ghi các hình thức đào tạo như “Chính quy” hoặc một trong các hình thức “Vừa làm vừa học”, “Học từ xa”, “Tự học có hướng dẫn”.

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học đang gây nhiều tranh cãi (ảnh minh họa)

PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng: “Chất lượng giáo dục đại học ở nước ta hiện nay hình thức phi chính quy và chính quy chưa thể tương đương với nhau được. Việc đào tạo phi chính quy còn tồn tại nhiều hạn chế nên việc không ghi xếp loại trên văn bằng đại học tôi nghĩ chưa phù hợp”.

Còn GS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Chất lượng đào tạo phải được nâng cao, cải thiện so với hiện nay nhất là đối với hệ tại chức. Thông tư này nếu được ban hành cũng sẽ phục vụ cho ý tưởng có một môi trường giáo dục mở, vận động toàn dân học tập suốt đời và loại bỏ dần tư duy bằng cấp.

Tuy nhiên Bộ Giáo dục cần phải giải thích rõ ràng ý tưởng trên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để xã hội họ không hiểu lầm. 

Hiện nay việc ghi xếp loại trong bằng cấp đã không còn quá quan trọng. Vì hiện nay khi vào các cơ quan, đơn vị tuyển dụng học sẽ lọc ứng viên thông qua những bài kiểm tra hoặc thử việc rồi mới quyết định thử việc.

Tôi thấy nhiều người nói đến chất lượng và thước đo giáo dục nhưng quan điểm của tôi là học chính quy 4 năm hết ĐH còn không chính quy khi họ đạt được số tín chỉ nhất định thì sẽ được cấp bằng. Chất lượng quan trọng nhất là được doanh nghiệp tuyển dụng và đánh giá tốt và đó là thước đo.

Người học chính quy chắc gì chất lượng đã tốt so với học không chính quy? Bởi lẽ, người học không chính quy đang làm việc tại doanh nghiệp rồi và khi họ học xong ĐH và được cấp bằng và khi đó họ có cả bằng cấp, có cả kinh nghiệm. Đại học chính quy cũng không ít sinh viên suốt 4 năm ĐH chỉ học cho qua môn với bảng điểm rất kém, ra trường không có chút kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức nào thì “chạy xa” mới đuổi kịp người học không chính quy”.

Tác giả bài viết: Hoàng Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây