Tội ác man rợ sau một tình yêu

Chủ nhật - 03/11/2019 20:32
Vũ Ngọc Hiếu, 30 tuổi, ngước mặt về phía luật sư - đó là cái ngước mặt duy nhất của bị cáo trong phiên xử giết người yêu phi tang xác, gây rúng động dư luận.
Tội ác man rợ sau một tình yêu

"Luật sư là người đầu tiên muốn bị cáo được sống. Nhưng bị cáo muốn được tử hình để sớm đoàn tụ với Nhi, đền tội với gia đình cô ấy", Hiếu nói. Suốt nhiều tiếng phiên xử diễn ra, anh ta luôn cúi gằm mặt, đôi lúc mắt nhắm nghiền. Hắn cũng chẳng màng đến những người dự khán, bởi trong số đó không có ai là người thân.

Hiếu sinh ra ở Gia Lai, mẹ mất khi anh ta 4 tuổi. Người cha còm cõi nuôi 3 anh em Hiếu ăn học. Năm 2010, học hết cấp ba, anh ta một mình xuống Sài Gòn ôn thi và đậu Đại học Kinh tế TP HCM. Đây cũng là thời điểm anh ta yêu say đắm Nhi.

Đến năm 2017, hai người thường xảy ra cự cãi nên ít gặp mặt. Tối 31/5/2018, họ hẹn đi ăn, sau đó về nhà trọ của Hiếu tại quận Gò Vấp nói chuyện. Nghe Nhi nói "đã có bạn trai và sẽ đi lấy chồng", Hiếu nghĩ đến cảnh bị bỏ rơi nên nảy sinh ý định giết cô.

Rạng sáng 1/6/2018, khi Nhi đang ngủ, Hiếu bịt miệng, siết cổ đến chết. Hôm sau thi thể nạn nhân bắt đầu phân hủy, anh ta sợ tội ác bị người khác phát hiện nên phân nhỏ xác, bỏ vào tủ lạnh, đem phi tang...

Vũ Ngọc Hiếu giữ nguyên bộ dạng trong suốt phiên xử. Ảnh: Bình Nguyên.

Vũ Ngọc Hiếu giữ nguyên bộ dạng trong suốt phiên xử. Ảnh: Bình Nguyên.

Hành vi man rợ của Hiếu được chỉ rõ đến từng chi tiết trong bản cáo trạng công bố tại tòa. Những cái nhíu mày, những ánh mắt thảng thốt... hướng về gã đàn ông lầm lũi cúi đầu ở hàng ghế bị cáo. Ngay sau lưng anh ta, phía trái phòng xét xử, gương mặt cha mẹ Nhi rúm ró, vẻ đau đớn. Trước đó, mẹ Nhi xin tòa xét xử kín vì không muốn nỗi đau của gia đình một lần nữa bị ai đó xới lại. Tuy nhiên, tòa không thể chấp nhận yêu cầu của bà vì tính chất vụ án không nằm trong quy định phải xử kín.

Hồ sơ vụ án thể hiện, sau một năm xảy ra sự việc, Hiếu thay đổi lời khai, nói tối đó cả hai sử dụng ma túy đá. Lúc trước Hiếu đưa cho Nhi 300 triệu đồng để dành dụm mua nhà nhưng cô lại dùng tiền đi kinh doanh, mua vàng và cho vay. Nhi còn nhận 50 triệu đồng của bạn trai mới. Vì những lý do này mà hai bên cãi vã, Hiếu không làm chủ được mình.

"Bị cáo không cố tình giết Nhi", Hiếu nhiều lần lặp lại câu trả lời khi tòa xét hỏi. Bị truy vấn lý do xuống tay tàn bạo sau khi giết người yêu, Hiếu lý nhí: "Cho tới giờ, bị cáo cũng không biết sao mình lại làm như thế". Nhưng ở những lần tòa truy vấn sau đó, hắn thừa nhận khi sát hại Nhi xong đã rất hoảng sợ, sợ cảnh sát phát hiện, phải tìm cách che giấu.

Ba mẹ Nhi kể, ông bà thương Hiếu như con, chưa bao giờ chê nghèo. Hiếu không có tiền mua áo mặc, mẹ Nhi mua; không có tiền đóng học phí hay mua xe máy, họ cho vay. Nói là "cho vay" nhưng ông bà chưa bao giờ đòi. Thấy Hiếu làm bánh bán, mẹ Nhi cùng làm, phụ anh ta kiếm thêm thu nhập. Hai bên gia đình biết nhau, ông bà hay lên thăm nhà Hiếu mỗi dịp lễ tiệc.

Tuy nhiên, vì kính tế khó khăn, Hiếu bỏ học đi làm thuê. Cuộc sống anh ta bấp bênh kéo dài nhiều năm trong khi Nhi đã ra trường và đi làm trong sân bay Tân Sơn Nhất. Tình cảm hai người dần rạn vỡ.

Lời chia tay Nhi đã nói từ năm 2017 nhưng Hiếu chưa bao giờ chấp nhận. Trước một tuần xảy ra sự việc, anh ta gọi điện cho cha mẹ Nhi, ngỏ ý đem 100 triệu đồng qua xin được cưới Nhi. Tuy nhiên, khi nghe cha mẹ nói lại ý của Hiếu, Nhi nhẹ nhàng "tụi con có còn tình cảm nữa đâu mà cưới". "Chúng tôi nghe vậy rồi thôi, không thúc ép con, nhưng biết Hiếu tiếp tục đeo đuổi, níu kéo Nhi. Có bữa con bé phải trốn qua nhà bạn", mẹ Nhi kể.

Vợ chồng bà thường tự vấn, họ yêu thương Hiếu như con trong suốt thời gian dài nhưng sao anh ta có thể giết Nhi tàn nhẫn đến vậy. "Tiền đâu mà nó nói đưa cho con gái tôi mấy trăm triệu đồng? Nhi là đứa con ngoan, sáng đi làm tối về, không đi chơi với ai. Họ hàng, hàng xóm ai cũng biết điều đó. Vậy mà nó vu khống con tôi dùng ma tuý đá. Tôi xin khẳng định, con gái tôi không còn tình cảm với nó. Con gái tôi chia tay nó từ hai năm trước rồi", mẹ Nhi trả lời HĐXX.

Cha mẹ bị hại dự phiên tòa. Ảnh: Uyên Trinh 

Cha mẹ bị hại dự phiên tòa. Ảnh: Uyên Trinh.

Trước khi bào chữa cho Hiếu, luật sư chia sẻ nỗi đau thương, mất mát của gia đình nạn nhân. Không biện hộ cho hành vi man rợ của Hiếu, luật sư chỉ nêu ra các tình tiết xin giảm nhẹ cho bị cáo như: mồ côi, thiếu tình thương chăm sóc của mẹ; nhân thân tốt, lần đầu phạm tội và thành khẩn khai báo. Từ đó, ông đề nghị tòa xem xét cho Hiếu con đường sống và làm lại cuộc đời.

Tuy nhiên, đánh giá hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, phạm tội thuộc trường hợp đê hèn, cùng lúc phạm nhiều tội... HĐXX áp dụng mức án nghiêm khắc để răn đe, tuyên tử hình Hiếu về các tội Giết người và Cướp tài sản. Về việc Hiếu thay đổi lời khai, tòa cho rằng không có căn cứ chấp nhận. "Quá sức man rợ, không thể tưởng tượng được", chủ tọa nói, khi bước ra khỏi phòng xử.

Theo Tiến sĩ Lê Nguyên Thanh (Trưởng bộ môn Tội phạm học - Khoa Luật Hình sự, Đại học Luật TP HCM) trường hợp của Hiếu có 3 đặc điểm tâm lý tiêu cực: ghen, hận và ích kỷ.

Ghen vì Hiếu nghe (và tin) Nhi có người yêu mới. Hận vì bị bội tình, bội lòng tin mà cậu đặt vào Nhi nhiều năm qua (gần 8 năm). Anh ta nghĩ rằng hai người đã thuộc về nhau, không chịu được cảm giác bị bỏ rơi. Khi nghe Nhi đi lấy chồng, hắn bị sốc, thiếu tỉnh táo kiểu "no mất ngon, giận mất khôn". Ích kỷ vì anh ta muốn chiếm hữu tuyệt đối Nhi, yêu bằng thứ tình cảm "cuồng yêu". Nếu không cưới được thì người con gái đó cũng không thể thuộc về người khác, "không ăn được thì đạp đổ". Yếu tố hoàn cảnh như mẹ mất sớm, thiếu tình thương của mẹ và người phụ nữ bên cạnh từ bé cũng khiến cho tính ích kỷ trong Hiếu lớn hơn.

Tất cả những đặc điểm tâm lý tiêu cực đó khiến Hiếu mù quáng trong suy nghĩ và hành động, cộng thêm sự thiếu ý chí, bản lĩnh, thiếu lý tưởng sống của một thanh niên đã đẩy đến việc phạm tội giết người với hành vi man rợ. Từ phía nạn nhân, có thể cũng đã làm tổn thương bị cáo ít nhiều.

Bị cáo rất sợ bị phát hiện và sợ phải chịu hậu quả pháp lý nặng nề, nên đã chọn cách phi tang an toàn nhất nhưng cũng man rợ nhất. Bản thân muốn thỏa mãn lòng thù hận mà không muốn gánh hậu quả. Lúc đó, có thể anh ta đã nghĩ "đâm lao thì phải theo lao" nên bất chấp và không đắn đo.

"Ngày nay, thứ tình cảm ghen tuông, thù hận, ích kỷ như Hiếu không phải quá cá biệt trong lớp trẻ. Đó là biểu hiện của một thứ tình cảm lệch lạc, bệnh hoạn. Bản chất của tình yêu vốn ích kỷ, không muốn mất mát hoặc bị chia sẻ nhưng không có nghĩa là phải chiếm hữu bằng mọi cách", tiến sĩ Thanh nói.

Nhà giáo dục người Nga V.Xukhômdiuxki từng nhận định: "Tình yêu là một sự biểu hiện của văn hoá, cần phải học để biết yêu. Con người có thể xây dựng những nhà máy điện, những toà lâu đài, những thành phố, có thể tạo ra những con tàu vũ trụ nhưng nếu họ không học để biết yêu một cách nghiêm túc thì vẫn chỉ là con người man rợ".

Tình yêu có tính giáo dục, buộc con người ta phải học để yêu nghiêm túc. Tình yêu đâu có chỗ cho cái ác, cho lòng thù hận. Và tình yêu không phải là ngục tù để giam cầm những trái tim đã hết yêu.

 

Tác giả bài viết: Uyên Trinh 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây