Chuyện ông Lê Đức Thọ đi minh oan: Kỳ 2. Tất bật thầy, trò

Thứ ba - 05/10/2021 22:01
(TVLMP) - Thời gian bà Nguyễn Thị Năm (đã nói ở kỳ trước) chưa bị xử, đang bị bắt, bị mang đấu tố thì ông Lê Đức Thọ đang ở miền Tây Nam bộ, gần đồng chí Lê Duẩn (sau này là Tổng Bí thư của Đảng). Hoàn cảnh sinh hoạt cực kỳ gian khổ lại hiểm nguy vì luôn bị giặc săn lùng. Điều kiện liên lạc từ Bắc vào Nam khó khăn, hạn chế.
Bút tích ông Lê Đức Thọ
Bút tích ông Lê Đức Thọ
Nhưng một hôm ông Lê Đức Thọ nhận được điện từ Trung ương. Người điện cụ thể là ông Hồ Viết Thắng. Ông Thắng khi ấy là một yếu nhân của phong trào Cải cách ruộng đất (CCRĐ). Khi đó ông Thọ mới biết bà Năm bị bắt, bị đấu tố...

Kể đến đoạn này mặt ông Lưu Văn Lợi (Thư ký riêng cho ông Lê Đức Thọ) hơi đỏ, cùng chất giọng hơi đanh... Tôi ái ngại nghĩ ngay tới căn bệnh tai biến mà hai lần ông mắc phải định khuyên ông bình tĩnh, nhưng không kịp.

Đây tôi nói trước vong linh ông Hồ Viết Thắng nguyên văn lời ông Thọ rằng, là ông Thọ trách ông Thắng lắm!

Cơ sự là do ông Thắng điện vào cho ông Thọ giọng nặng nề, anh cho biết thời gian anh ở nhà bà Cát Hanh Long từ bao giờ.

Như thể cật vấn, hỏi cung? Ông Thọ bực lắm.

Cốc nước mát làm chất giọng ông Lợi như dịu lại.

Ông đang bộc bạch với tôi phần nào không khí và tình thế của một phong trào như CCRĐ và những hậu họa khó lường, nhưng không ngờ đến những hậu họa? Ông nói thẳng rằng, ông Lê Đức Thọ, một trong những yếu nhân của cách mạng miền Nam sau khi bàn bạc kỹ với đồng chí Lê Duẩn đã điện ra Bắc xin phép Bác Hồ không tiến hành cải cách ruộng đất mà miền Nam chỉ tiến hành giảm tô giảm tức. Sự sáng tạo tránh rập khuôn khi ấy đã cứu được bao người!

                              

ông Hanh

Ông Nguyễn Hanh con trai bà Năm


… Tôi nhớ trong thời gian giải quyết việc bà Năm, một bữa ông Lê Đức Thọ có cầm một cuốn sách mỏng. Với thái độ hơi phiền muộn, chất giọng hơi nặng nề, ông nói đại ý, lịch sử là lịch sử. Lịch sử không được thêm bớt. Lịch sử không được cắt gọt. Lịch sử không được vo tròn. Lịch sử không được mài giũa.Ông Lợi đương nói đến những người tham gia kháng chiến trong Nam mà sau này ông có biết như ông Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Kỉnh... đều làm cho Tây, đại địa chủ đều đi theo cách mạng, hiến đất cho cách mạng ( ông Phạm Văn Bạch sau này là Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Ông Nguyễn Văn Kỉnh là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại Liên Xô cũ).

Ấy là ông đang nói đến chuyện bà Nguyễn Thị Năm còn được gọi là Cát Hanh Long.

Theo tài liệu chứng thực kể cả của ông Võ Nguyên Giáp, ông Hoàng Tùng, ông Nhân - Bí thư Tỉnh ủy Hải Phòng… đều xác nhận bà Cát Hanh Long làm Chủ tịch Hội phụ nữ Thái Nguyên 3 năm. Nhưng rồi trong cuốn Lịch sử Phụ nữ Thái Nguyên, cuốn sách duy nhất có in ảnh bà Cát Hanh Long mà ông Thọ đang cầm trên tay, người ta ghi mỗi một dòng vắn tắt rằng bà Cát Hanh Long chỉ làm chủ tịch Hội phụ nữ Thái Nguyên có 1 năm!

Ông Lợi biết khi trực tiếp giải quyết việc bà Cát Hanh Long, ông Thọ đã thận trọng bỏ công nghiên cứu các tài liệu hồ sơ cần thiết và chứng thực rằng sử liệu đấy không chính xác.

Một ngày mùa đông năm 1986, ông Lê Đức Thọ cho gọi Lưu Văn Lợi và dặn cử người đến số nhà 117 Hàng Bạc. Con trai bà Cát Hanh Long là Hanh đang ở đó.

Không phải một mình ông Nguyễn Hanh, con trai bà Năm, cả gia đình 6 nhân khẩu đang sống trong diện tích chỉ hơn 20 m2. Ông Lợi không khỏi xót xa.

Ông có trách nhiệm báo cáo lại với vị Trưởng ban Tổ chức T.Ư những gì mắt thấy tai nghe về gia cảnh hiện thời của nhà Cát Hanh Long. Cùng một việc nữa là thông báo cho gia đình ông Hanh, sắp tới ông Lê Đức Thọ sẽ đến thăm gia đình...

Ông Lê Đức Thọ nghe ông Lợi báo cáo và ngồi lặng đi hồi lâu. Bằng chất giọng khẽ khàng, ông Thọ như đang chắp nối lại ký ức.

Ông Lợi lại đẩy về phía tôi một văn bản.

Đó là lời chứng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 10/11/2001: “Bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long là một địa chủ có tinh thần yêu nước, trong kháng chiến đã từng giúp đỡ bộ đội. Bản thân tôi và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có lúc đã ở lại nhà bà. Trong những buổi họp sửa sai, chính Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Lê Văn Lương đều cho rằng xử lí bà Nguyễn Thị Năm là một sai lầm”.

Ông Lợi kể tiếp: Thời gian đó sắp Tết năm 1987, ông Thọ cùng tôi đến nhà 117 Hàng Bạc. Không nói ra nhưng ông Sáu Thọ nhìn qua một lượt cảnh quần cư chật chội của gia đình bà Cát Hanh Long, ông Thọ ái ngại.

Ông Thọ thân mật hỏi han nhiều điều. Ông nói mình đã biết hoàn cảnh gia đình cùng nhiều chuyện khác nữa nhưng công việc bộn bề nên khó xử lý vẹn toàn... Trong câu chuyện khi nghe bà vợ ông Hanh phàn nàn rằng, có một cháu trai là bộ đội đang ở Hải quân. Cháu phấn đấu tiến bộ lắm nhưng nhiều lần không được kết nạp Đảng vì thành phần gia đình: Bà nội là địa chủ cường hào gian ác!

Nghe chuyện, ông Thọ nói ngay:

Tôi đã nói từ lâu rồi, việc người lớn làm, người lớn chịu trách nhiệm, con cháu không thể chịu trách nhiệm cho ông bà.

Ông Lợi trầm ngâm: sau đó, ông Thọ bảo tôi lấy một tập thơ vừa in ở Pháp về để biếu gia đình. Thơ in bằng tiếng Việt. Ngồi tại chỗ, ông Thọ lật trang bìa, ngẫm nghĩ một lúc rồi ghi vào một trang trống ngay đầu tập thơ.

Thân mến tặng Công và Hanh để đánh dấu chấm dứt sự đau buồn kéo dài lâu năm của gia đình và cũng là của chung. Hà Nội, 28 tháng Giêng 1987. Kí, Thọ.

(Theo Tiền Phong)

Tác giả bài viết: XUÂN BA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây